Vượt đèn đỏ – hành vi kém văn hóa
Đây là một con số xấu xí trong văn hóa giao thông của chúng ta. Qua hai năm, đến nay tình trạng vượt đèn đỏ không những không giảm mà đã trở thành vấn nạn trầm kha.
Không chấp hành đèn tín hiệu bị xem là hành vi phản cảm, kém văn hóa nhất của người tham gia giao thông. Chế tài hiện hành xử phạt hành vi này không hề nhẹ, với mô tô, xe gắn máy, mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng; với ô tô, mức phạt 4-6 triệu đồng, ngoài ra còn có áp dụng hình thức phạt bổ sung. Dù vậy, hành vi vượt đèn đỏ vẫn diễn ra tràn lan, phổ biến nhất là tại các thành phố lớn và trở thành vấn đề gây bức xúc xã hội.
Vì sao dư luận đồng tình cho rằng hành vi vượt đèn đỏ là phản cảm và kém văn hóa nhất? Bởi đây là hành vi gây nguy hiểm, giáng những tai nạn oan uổng cho người khác. Đã có rất nhiều vụ tai nạn do phương tiện vượt đèn đỏ gây ra. Hành vi này đang khiến những người tham gia giao thông đúng luật lại luôn phải nơm nớp đề phòng tai nạn, trong khi rất ức chế về tâm lý. Cái sai của người vượt đèn đỏ là cả về pháp lý lẫn đạo đức ứng xử xã hội. Chính họ đã coi thường luật pháp, thứ vốn được xem là rường cột, mực thước trong điều chỉnh hành vi và quan hệ xã hội.
Nhìn ra thế giới để hiểu rõ mình hơn. Hình ảnh trên các phương tiện truyền thông cho thấy, hành động nhường đường cho xe ưu tiên, xếp hàng, đi đúng làn đường, tuân thủ tín hiệu đèn giao thông đã trở thành văn hóa giao thông ở nhiều quốc gia. Mỗi chúng ta cũng từng được chứng kiến những hình ảnh văn minh, tốt đẹp và đáng ngưỡng mộ ấy, vậy tại sao mình lại không học tập để xây dựng văn hóa giao thông tốt đẹp?
Cũng phải thấy rằng tình trạng vượt đèn đỏ bị “nhờn luật” nguyên nhân một phần do lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm. Nếu lực lượng chức năng duy trì túc trực, điều hành, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm thì chắc chắn tình trạng này sẽ giảm. Trên thực tế, nếu nơi có đèn tín hiệu xuất hiện lực lượng chức năng thì số người vi phạm, vượt đèn đỏ giảm hẳn. Việc xử lý phạt nguội các phương tiện vi phạm chủ yếu mới thực hiện được với ô tô, trong khi đó, với hành vi vượt đèn đỏ thì tỷ lệ người điều khiển xe gắn máy chiếm đa số. Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng chức năng cần phải thường xuyên có những đợt ra quân xử lý vượt đèn đỏ như xử lý tình trạng vi phạm nồng độ cồn để lập lại trật tự giao thông, tạo thành ý thức tuân thủ của mỗi người.
Cần nhìn nhận, việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông của chúng ta còn đơn điệu và vẫn nặng tính hình thức; phần lớn là lặp đi lặp lại các khẩu hiệu, các cuộc thi tìm hiểu, ký cam kết thực hiện mà không có biện pháp giám sát những cam kết ấy… Chúng ta chưa có một chiến lược tuyên truyền về văn hóa tham gia giao thông có sức nặng cả về pháp lý, chế tài và tâm lý, tình cảm; chưa làm thức tỉnh được sự tự trọng trong mỗi người; chưa thành chiến lược xuyên suốt mỗi cá nhân từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tới giai đoạn làm chủ xã hội.
NGUYỄN TUẤN