Có bao nhiêu hệ thống làm mát động cơ được trang bị trên xe máy?
Động cơ xe máy trong quá trình hoạt động tỏa ra lượng nhiệt rất lớn, có thể hơn 100 độ C. Nếu động cơ quá nóng, công suất động cơ sẽ bị giảm đi đáng kể do khối lượng oxy vào buồng đốt giảm đi.
Dưới đây là 4 hệ thống làm mát động cơ được trang bị trên xe máy.
Hệ thống làm mát bằng gió
Đây là kiểu làm mát động cơ cổ điển và có cấu tạo đơn giản nhất, động cơ xe được đặt ở những vị trí mà gió có thể luồng vào trong lúc xe hoạt động. Với phương pháp này, hơi nóng từ động cơ được tỏa ra xung quanh. Để tăng khả năng làm mát động cơ, nhà sản xuất còn thiết kế thêm các thanh giải nhiệt xung quanh động cơ.
Các dòng xe phổ thông thường được trang bị hệ thống làm mát bằng gió vì cấu tạo đơn giản, chi phí thấp. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Tuy nhiên kiểu làm mát động cơ bằng gió cũng tồn tại những nhược điểm như phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, tốc độ chạy… Đối với các dòng xe môtô có động cơ xếp kiểu chữ V sẽ xuất hiện tình trạng mất cân bằng nhiệt độ giữa xy lanh trước và sau, về lâu dài sẽ làm cho công suất của 2 động cơ có sự chênh lệch, ảnh hưởng đến trải nghiệm của người lái.
Hệ thống làm mát bằng gió cưỡng bức
Hệ thống làm mát này thường được sử dụng trên những chiếc xe tay ga có động cơ đặt ở vị trí kín, nơi gió khó có thể luồn vào làm mát. Hệ thống này bao gồm 1 cánh quạt giúp hút không khí bên ngoài vào làm mát động cơ, cánh quạt này được dẫn động từ trục khuỷu động cơ. Ưu điểm của hệ thống này tương tự như hệ thống làm mát bằng gió thông thường.
Cánh quạt của hệ thống gió cưỡng bức giúp hút không khí bên ngoài vào giải nhiệt động cơ. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Nhược điểm của làm mát bằng gió cưỡng bức là hiệu suất tản nhiệt thấp do diện tích được làm mát của động cơ không nhiều và gió chỉ lướt qua bề mặt động cơ.
Hệ thống làm mát bằng két nhớt
Ngoài tản nhiệt bằng gió còn có thêm giải nhiệt bằng két nhớt. Khi xe hoạt động nhớt trong động cơ sẽ được bơm đến các chi tiết máy theo một vòng tuần hoàn, khi hoạt động lâu động cơ sẽ nóng dần lên và giảm công suất của động cơ. Vì thế các hãng sản xuất thiết kế thêm một két nhớt được đặt ở phía trước xe để khi gió thổi qua làm nhớt mát hơn.
Bất kỳ xe nào cũng có thể “độ” thêm két nhớt, tuy nhiên cần đảm bảo bơm nhớt của xe đủ mạnh. Ảnh: tinhte. |
Việc lắp đặt két nhớt yêu cầu hệ thống bơm nhớt của xe phải đủ mạnh để có thể tạo đủ áp lực bơm nhớt lên két cũng như đến các chi tiết máy trong động cơ. Hệ thống làm mát bằng nhớt cũng tiềm ẩn nguy cơ nghẹt đường nhớt do các chất cặn trong máy, hậu quả của nghẹt đường nhớt cực kỳ tai hại như hư hỏng toàn bộ xylanh cũng như đầu quy lát do không được nhớt bôi trơn.
Hệ thống làm mát bằng dung dịch
Đây là hệ thống làm mát hiện đại nhất trong tổng số 4 hệ thống làm mát động cơ. Nước làm mát được bơm theo cách đường dẫn nước ở giữa vỏ động cơ và đưa ra két nước bên ngoài để tỏa nhiệt. Thông thường hệ thống này chỉ được gắn trên xe phân khối lớn, xe đua… một số xe tay ga đời mới cũng được trang bị hệ thống làm mát bằng dung dịch bên cạnh hệ thống làm mát bằng gió cưỡng bức.
Xe sử dụng giải nhiệt bằng dung dịch yêu cầu chủ xe thường xuyên kiểm tra và thay thế dung dịch định kỳ. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Động cơ sử dụng làm mát bằng dung dịch có cấu tạo phức tạp hơn và đòi hỏi người sử dụng thường xuyên kiểm tra cũng như đổ thêm nước mát. Việc bố trí két nước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ của xe, vì thế các mẫu xe cruiser cổ điển thường chỉ có giải nhiệt bằng gió và nhớt.
Theo Zing
Quên đổ nước làm mát, mất toi 13 triệu sửa ô tô
Trên đường đi bảo dưỡng, chiếc Kia Morning Van bỗng chết máy, không khởi động được, phải gọi cứu hộ. Kết quả kiểm tra cho thấy lỗi nhỏ không ngờ nhưng tiêu tốn của chủ xe 13 triệu tiền sửa.