Scooter điện thất sủng ở Paris
Paris là một trong những nơi áp dụng dịch vụ cho thuê xe scooter điện sớm nhất ở châu Âu. Từ năm 2018, chính quyền thủ đô Pháp cho phép người dân thuê xe scooter điện thông qua các ứng dụng được quảng cáo là giải pháp thay thế ôtô đầy hứa hẹn, thân thiện với một thành phố cần giảm ô nhiễm.
Cô gái điều khiển xe scooter điện trên đường phố Paris năm 2018. Ảnh: Reuters
Truyền thông Pháp khi đó gọi Paris là “thủ phủ scooter điện quốc tế” và tới năm 2019, có tới 12 đơn vị cho thuê xe scooter điện ở Paris, sở hữu khoảng 20.000 phương tiện, với các quy định quản lý được cho là rất “thoáng”.
Giờ đây, khi một số thành phố như London đang gia hạn hợp đồng với các đơn vị cho thuê scooter, Paris lại trở thành thủ đô đầu tiên ở châu Âu cấm hoàn toàn xe scooter điện cho thuê từ 1/9.
Amanda Rollins, 33 tuổi, người Mỹ ở Paris thường di chuyển bằng scooter, cho hay vẫn nhớ như in lần đầu loại phương tiện này xuất hiện trên đường phố Paris năm 2018. “Lúc ấy giống như Giáng sinh, như thể ông già Noel vừa ghé qua”, cô nói.
Nhưng cách quản lý của Paris với scooter điện lại rất lộn xộn. Người dùng, chủ yếu là du khách, bỏ lại xe trên vỉa hè, trong khi nhiều người thản nhiên lái chúng lên vỉa hè hoặc vào chỗ đông người. Nhiều chiếc bị vứt xuống sông Seine. Paris cũng ghi nhận nhiều vụ bị thương, thậm chí là tử vong, vì xe scooter điện va chạm với người đi bộ.
Trước hàng loạt vụ tai nạn, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cam kết siết quy định với xe điện, bao gồm hạn chế vận tốc, phạt nặng hành vi lái xe liều lĩnh cũng như vứt xe bừa bãi.
Chính phủ Pháp năm 2019 đưa scooter điện vào danh sách phương tiện giao thông cần quản lý, áp đặt quy định trên toàn quốc về tốc độ và sức chở.
Cuối năm đó, chính quyền Paris quyết định giới hạn số lượng nhà khai thác scooter điện còn ba công ty là Lime, Dott và Tier. Mỗi nhà khai thác chỉ được phép cung cấp 5.000 xe trên đường phố thủ đô.
Xe scooter điện cho thuê được chất lên xe tải ở Paris ngày 23/8. Ảnh: AFP
Đến năm 2021, một phụ nữ Italy đi bộ dọc sông Seine trở thành người thứ ba bị xe scooter điện tông chết. Hai người chở nhau trên chiếc scooter đã đâm trúng cô.
Những tháng tiếp theo, chính quyền Paris cân nhắc cấm hoàn toàn xe scooter điện, nhưng cuối cùng chỉ ban hành nhiều quy định hơn. Các công ty cho thuê scooter điện bị yêu cầu đặt giới hạn thiết bị ở vận tốc “chậm”, không quá 10 km/h.
Hồi tháng 4, Paris tổ chức trưng cầu dân ý và 90% người tham gia ủng hộ lệnh cấm scooter điện cho thuê. Lệnh cấm có hiệu lực từ 1/9.
Hồng Hạnh (Theo The Local)