Ôtô sang của Trung Quốc “tấn công” thị trường Việt
Chưa rõ thị trường có chấp nhận các mẫu xe sang xuất xứ Trung Quốc có giá lên đến hàng tỉ đồng hay không song các hãng xe, đại lý vẫn khá tự tin với lợi thế về mẫu mã, nội thất và công nghệ vượt trội.
Nội, ngoại thất hiện đại
Từ cuối năm ngoái, một doanh nghiệp ở TP Hải Phòng đã nhập hàng loạt ôtô phân khúc cao cấp của hãng xe Trung Quốc có tên Hongqi (còn gọi là Hồng Kỳ) về tiêu thụ. Các mẫu được nhập về gồm đầy đủ phân khúc từ 4 chỗ, 6 chỗ đến 7 chỗ; đủ loại động cơ từ thuần điện đến xăng hoặc kết hợp xăng và điện.
Mẫu xe Hongqi được nhập về bán đợt đầu hồi trước Tết âm lịch 2022
Theo tìm hiểu của phóng viên, mẫu sedan Hongqi H9 do doanh nghiệp nêu trên nhập về có 2 phiên bản. Trong đó, phiên bản dung tích 2.0 sử dụng động cơ xăng kết hợp động cơ điện, giá bán từ 1,5-1,88 tỉ đồng/chiếc; phiên bản 3.0 hoàn toàn sử dụng xăng, giá từ 2,46-2,68 tỉ đồng/chiếc. Ngoài ra, dòng SUV Hongqi E-HS9 động cơ thuần điện có đầy đủ các loại 4 chỗ, 6 chỗ và 7 chỗ; giá bán từ 2,76-3,68 tỉ đồng/chiếc.
Tại TP HCM, showroom Max – Auto Sài Gòn (đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh) cũng đang nhận đặt cọc xe điện phân khúc hạng sang của một hãng xe Trung Quốc. Khách muốn mua xe phải đặt cọc trước 500 triệu đồng và được bàn giao xe vào khoảng tháng 4-2022. Xe được bảo hành 5 năm hoặc 150.000 km, pin được bảo hành 8 năm.
Về ngoại thất, các mẫu xe Trung Quốc phân khúc cao cấp có thiết kế vuông vức, bề thế và được đánh giá không thua nhiều mẫu xe sang của Rolls-Royce, Bentley, Mercedes… Cụm lưới tản nhiệt phía trước được thiết kế như thác nước chảy; tay nắm cửa cảm ứng, tàng hình liền khối; hệ thống đèn Full Led, mâm lớn lên đến 22 inch; hệ thống treo khí nén có thể nâng, hạ gầm xe dễ dàng.
Thiết kế nội thất bên trong xe Hongqi khá giống mẫu Maybach của Mercedes với đầy đủ tiện nghi cao cấp. Riêng ghế được bọc da bò và thêu tay, có chức năng massage, có 3 màn hình phía trước và 2 màn hình ở hàng ghế sau. Xe có hệ thống camera được đặt trước, sau và hai bên hông cùng gần 30 cảm biến được bố trí khắp xe. Các hệ thống điều khiển trong xe đều bằng cảm ứng…
Thăm dò thị trường
Giới kinh doanh ôtô nhận định xe Trung Quốc thuộc phân khúc giá cao thường kén người mua. Các hãng và đại lý xe Trung Quốc tỏ ra tự tin về khả năng thâm nhập thị trường Việt nhờ thiết kế sang trọng, công nghệ hiện đại song vẫn đi từng bước thăm dò thị trường một cách cẩn trọng. “Vẫn còn sớm để biết phản ứng của thị trường ra sao đối với xe hơi giá cao xuất xứ Trung Quốc nên các hãng xe muốn thử nghiệm bằng cách tung ra nhiều mẫu. Để hạn chế rủi ro phải ôm hàng tồn, các đại lý hiện chỉ bán xe khi khách đặt cọc trước” – ông Trịnh Kim Hùng, chủ salon ôtô Hùng Việt Auto (TP HCM), cho hay.
Theo ông Nguyễn Vinh Hậu, một người “chơi” xe Trung Quốc, các mẫu xe được sản xuất, lắp ráp từ nước này thường giảm giá mạnh sau khi ra mắt một thời gian ngắn do tiêu thụ chậm. Chẳng hạn, hồi năm ngoái, mẫu Beijing V7 được đưa về Việt Nam với giá hơn 700 triệu đồng nhưng không bao lâu đã rớt còn khoảng 600 triệu đồng. Trước đó, mẫu Zotye Z8 cũng được định giá hơn 700 triệu đồng và nhanh chóng tụt xuống dưới 600 triệu đồng. Mẫu Baic Q7, X55 có giá chỉ còn khoảng 450 triệu đồng, giảm hơn 100 triệu đồng so với thời điểm chào bán… Các mẫu xe hơi mới được đưa về từ nước láng giềng cũng được dự báo sẽ nhanh chóng giảm giá đáng kể. Do đó, sẽ có tình trạng khách hàng chờ giảm giá về mức hợp lý mới cân nhắc chuyện mua xe Trung Quốc.
Giới chơi xe nhận xét chất lượng, mẫu mã của nhiều mẫu ôtô Trung Quốc thời gian gần đây được cải thiện rõ rệt nên bắt đầu “lấy lòng” được khách hàng Việt. Tuy nhiên, khách chỉ chọn mua xe để trải nghiệm nếu mức giá chấp nhận được. Còn với những mẫu xe giá hàng tỉ đồng, người tiêu dùng không thể dễ dàng “xuống tiền”. Chưa kể, người chơi xe Trung Quốc còn băn khoăn với việc các hãng xe hầu như không thông tin cụ thể về dịch vụ hậu mãi.
Giới chuyên gia am hiểu thị trường ôtô nhìn nhận người mua xe hiện có xu hướng chuộng công nghệ hiện đại và hãng xe Trung Quốc đáp ứng được điều này. Tuy vậy, người dùng vẫn mong chờ sự kiểm chứng thực tế trên đường hoặc cơ quan chức năng xác nhận về chất lượng trước khi quyết định bỏ ra một khoản tiền lớn để “tậu” xe hơi.
Thách thức về trạm sạc xe điện
Chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng cho rằng để thâm nhập một thị trường nào đó, hãng xe phải đầu tư khoảng 2 tỉ USD cho hệ thống hậu cần, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Đối với xe điện, đòi hỏi đầu tư càng lớn hơn, đặc biệt là đầu tư hệ thống trạm sạc rộng khắp.
“Ngay cả hãng xe điện Tesla cũng chưa thể chính thức đưa xe vào thị trường Việt vì họ chưa đầu tư cơ sở hạ tầng tại chỗ. Hãng xe Trung Quốc cũng phải đối mặt thách thức tương tự khi hệ thống trạm sạc cho xe điện tại Việt Nam chưa nhiều và chưa rõ xe điện Trung Quốc có cổng sạc phù hợp với trạm sạc trong nước hay không” – ông Đồng chỉ rõ.