NGUỒN GỐC những điểm đặc biệt trong bảng CHỮ CÁI Chữ QUỐC NGỮ

Lời người dịch

Sau khi đọc bản dịch tiếng Anh “The origin of the peculiarities of the Vietnamese alpabet” do Alexis Michaud dịch[1] từ bản tiếng Pháp “L’origine des particularités de l’alphabet vietnamien”, của André-Georges Haudricourt (đăng trong Dân Việt Nam 3:61-68, 1949), tôi tìm được một phiên bản tiếng Việt “Nguồn gốc những điểm dị biệt trong bảng chữ cái tiếng Việt” do Cao Thành Việt dịch từ bản tiếng Anhnói trên[2]. Mặc dù trong lời giới thiệu phiên bản tiếng Việt này người dịch cho biết “bản dịch có nhận được góp ý qua đối sánh với bản gốc tiếng Pháp”, song tôi thấy bản dịch chưa thật sáng rõ, khá nhiều chỗ xa với bản nguồn tiếng Anh, một số chỗ dịch chưa chính xác (trong đó có một số khái niệm, thuật ngữ), thậm chí có một số đoạn, câu bị bỏ sót. Bởi vậy, tôi thấy cần dịch lại cho mình, và để những ai quan tâm đến lịch sử chữ quốc ngữ hiểu đúng hơn bài viết rất nổi tiếng của học giả nổi tiếng A.G. Haudricourt.

Bản này được dịch từ bản dịch tiếng Anh của Alexis Michaud, có đối chiếu với bản tiếng Việt của Cao Thành Việt. Trước và trong khi dịch, tôi và dịch giả Michaud có liên lạc và trao đổi qua email để làm rõ một số diễn đạt và đính chính một lỗi sai trong bản dịch tiếng Anh. Nhân đây tôi xin cảm ơn hai dịch giả Alexis Michaud và Cao Thành Việt đã đem đến cho tôi cảm hứng khi dịch lại bài này[3].

Võ Xuân Quế 5.2018

x
x x

Lời giới thiệu của Alexis Michaud (trong bản dịch tiếng Anh)

Đóng góp của André-Georges Haudricourt vào Đông Nam Á học trên tầm quốc tế là không thể phủ nhận, tham khảo cuốn Haudricourt Festschrift (Suriya, Thomas and Suwilai 1985). Tuy nhiên, nhiều công trình của Haudricourt vẫn chưa được phổ biến với người đọc tiếng Anh. Một tuyển tập các công trình nghiên cứu quan trọng nhất của André-Georges Haudricourt, đang được một nhóm học giả quốc tế biên dịch và chuẩn bị xuất bản. Mục đích của nó là nhằm chia sẻ với giới học thuật các trước tác của Haudricourt mà phần nhiều trong số chúng là đề cập tới các vấn đề trong các ngôn ngữ Đông Nam Á, về ngôn ngữ học và nhân học xã hội.

“Nguồn gốc những điểm đặc biệt trong bảng chữ cái tiếng Việt” không phải là một trong những bài báo nổi tiếng nhất của Haudricourt, bởi vậy, nó sẽ không được đưa vào tuyển tập các trước tác của Haudricourt nói trên. Tuy nhiên, cho tới nay, bài báo này vẫn là một trong những nghiên cứu sâu sắc và có giá trị nhất về nguồn gốc chữ viết tiếng Việt hiện đại. Nó truy tìm nguồn gốc những con chữ đặc biệt có trong chính tả của ngôn ngữ này bằng cách lần theo dấu vết các thói quen chính tả của các ngôn ngữ Roman, quen thuộc với những người đã chế tác ra nó. Bài báo thể hiện niềm đam mê của Haudricourt trong việc phục dựng nguồn gốc lịch sử của những hiện tượng phức tạp, cũng như kỹ năng thu thập các bằng chứng từ nguồn tư liệu cực kì phong phú của ông.

Bài báo này rõ ràng nhằm hướng đến một phạm vi bạn đọc rộng hơn hầu hết các công trình khác của Haudricourt. Văn phong của nó mang tính đại chúng và tránh dùng các thuật ngữ chuyên môn. Bài báo đã đăng trong số thứ ba, và cũng là số cuối cùng của tập san Dân Việt Nam, do Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp ở Việt Nam xuất bản năm 1948 và 1949. Bản gốc ngày nay rất khó tìm được, hơn nữa, đa số độc giả có quan tâm đến bài báo có thể không có vốn tiếng Pháp, trong khi vào năm 1949, Haudricourt tin chắc rằng đông đảo công chúng có thể đọc được tiếng Pháp. Bản dịch này nhằm đem tài liệu này đến với tất cả những ai quan tâm đến tiếng Việt và vấn đề văn tự nói chung.

Nhà xuất bản ở Việt Nam rõ ràng đã gặp nhiều khó khăn trong việc biên tập bài báo vốn sử dụng nhiều kí tự đặc biệt này. Bản dịch này sẽ đính chính những lỗi chính tả có trong tài liệu gốc. C được thay thế bằng G ở trang 64; dấu phụ trong p‘, t‘, k‘ lần lượt thay thế cho pc, tc, kc trong nguyên bản .v.v. Các phiên âm trong bản Phiên âm Ngữ âm Quốc tế IPA cũng được thêm vào một cách hệ thống trong bản dịch. Lời chú của dịch giả được để trong ngoặc vuông hoặc đặt ở phần chú thích cuối mỗi trang.

Dịch giả xin chân thành cám ơn Michel Ferlus vì đã giới thiệu bài báo này, cám ơn Boyd Michailovsky, Martine Mazaudon đã bỏ công nhuận sắc cho bản dịch và cám ơn Jean-Michel Roynard đã giúp đỡ dịch giả trong phần minh họa.

x
x x

TÓM TẮT

Những người có công sáng tạo bảng chữ cái Latin cho tiếng Việt là những nhà truyền giáo đến từ Bồ Đào Nha, Ý và Pháp. Kết quả là bảng chữ cái này kế thừa một số điểm đặc biệt có nguyên nhân từ hệ thống chính tả các ngôn ngữ Roman.

Các phụ âm bật hơi (aspirated) H, PH, TH, KH [IPA: /h/, /pʰ/, /tʰ/, /kʰ/] không có trong các ngôn ngữ Roman. Nhưng, trong các ngôn ngữ này, các tổ hợp chữ cái PH, TH, KH xuất hiện trong những từ gốc Hy Lạp, như những từ có phụ âm đầu trong tiếng Hy Lạp phi, theta, khi (φ, θ, χ), vốn là những phụ âm bật hơi trong ngôn ngữ này. Vì vậy những tổ hợp này đã được sử dụng để ghi các phụ âm tắc bật hơi tiếng Việt.

Các âm tắc mặt lưỡi (dorsal stop) C, G chỉ được sử dụng trước các nguyên âm /a/, /o/ và /u/. Lí do là trong các ngôn ngữ Roman đó là vị trí duy nhất mà những phụ âm này còn giữ được cách phát âm tắc (obstruent) mà chúng có trong tiếng Latin; GHE, GHI được dùng với giá trị ngữ âm mà chúng có trong tiếng Ý; tổ hợp KE và KI cần được lí giải từ chữ cái K được dùng trong tiếng Hy Lạp (kappa, k) và trong các tiếng German.

Âm tắc môi ngạc mềm (labiovelar) QU và GU được mượn từ chính tả tiếng Ý và tiếng Latin.

Trong số những âm tiền ngạc (prepalatal), âm tắc vô thanh CH được lấy từ chữ viết Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, những chữ viết mượn tổ hợp đó từ chữ viết tiếng Pháp cổ, nơi nó được tạo ra để ghi một âm mới không có trong tiếng Latin.

Âm tắc hữu thanh D được dùng như một ký hiệu gần đúng để ghi một âm không có trong các ngôn ngữ châu Âu, nơi D là một âm hữu thanh tương ứng của T. Trong tiếng Việt, một chữ cái mới, Đ, được tạo ra [để ghi một âm tắc lợi-tiền thanh hầu hóa (preglottalized alveolar stop): /ɗ/], với nét ngang gợi lên một sự tương tự với chữ cái T.

Âm xát hữu thanh được viết là GI, như trong chữ Bồ Đào Nha và chữ Pháp (bấy giờ J vẫn chưa được sử dụng ở châu Âu).

Âm xát vô thanh X được mượn từ tiếng Bồ Đào Nha và các phương ngữ Bắc của tiếng Tây Ban Nha: trong các ngôn ngữ này, S được phát âm ở sau miệng [IPA: âm quặt lưỡi /ʂ/] như trong tiếng Việt, trong khi ở các ngôn ngữ châu Âu khác, S chỉ là một âm xuýt lợi (anterior sibilant) như trong tiếng Pháp [IPA: âm lợi /s/].

NH [ghi âm mũi ngạc cứng /ɲ/] được mượn từ tiếng Bồ Đào Nha; TR là một kí tự tương ứng ghi một âm không tìm thấy trong các tiếng châu Âu [IPA: /ʈ/].

Ô, Ê được mượn từ tiếng Bồ Đào Nha và đó là lí do tại sao cặp Ê, E không có được giá trị ngữ âm như trong tiếng Pháp. [Trong tiếng Pháp, Ê dùng cho /ɛ/, E dùng cho /e/, nhưng trong chữ Quốc Ngữ tình hình lại ngược lại, Ê dùng cho /e/ và E dùng cho /ɛ/.]

Y được dùng trong chữ Quốc Ngữ giống như được tìm thấy trong tiếng Tây Ban Nha, nơi nó thay I khi đi giữa các nguyên âm hoặc ở cuối các từ. Chữ cái Y bắt nguồn từ bảng chữ cái Hy Lạp (upsilon, v).

Ơ và Ư được tạo ra để ghi các nguyên âm tiếng Việt không có âm tương đương trong các ngôn ngữ châu Âu [IPA: /ɤ/, /ɯ/].

GIỚI THIỆU

Hệ thống chữ viết “alphabet” dùng để ghi lại phát âm của các từ. Trên lí thuyết, mỗi chữ cái ghi một âm [một âm vị], tức một chữ cái đã cho luôn luôn ghi một và chỉ một âm; và một âm đã cho chỉ được ghi bởi một và chỉ một chữ cái. Điều lí tưởng này không được tìm thấy trong một bộ chữ “alphabet” nào của các ngôn ngữ có lịch sử và truyền thống văn chương lâu đời. Bởi vì theo thời gian, hệ thống chữ viết của chúng giữ nguyên trong khi cách phát âm thì thay đổi. Các văn bản viết được truyền từ thế hệ người nói này tới thế hệ khác mà không có sự thay đổi (hoặc thay đổi rất ít, dẫn đến “lạc hậu” so với sự thay đổi của ngôn ngữ nói). Vì vậy, mối tương quan giữa các kí hiệu (chữ viết) và các âm (nói) thay đổi theo sự thay đổi của ngôn ngữ nói. Cái tôi gọi là những điểm đặc biệt của một bảng chữ cái bao gồm sự bất tương xứng một đối một giữa các chữ cái với các âm: một và cùng một chữ cái dùng cho nhiều âm, hoặc cùng một âm được ghi bằng nhiều chữ cái khác nhau. Những điểm đặc biệt này bắt nguồn trong tiến trình lịch sử phát âm của ngôn ngữ đang thảo luận.

Khi một ngôn ngữ được ghi lại bằng chữ viết lần đầu tiên, hệ thống chữ viết dùng để ghi lại ngôn ngữ đó thường dựa trên hệ thống chữ viết của một ngôn ngữ khác và hệ thống chữ viết mới kế thừa những điểm đặc biệt từ hệ thống chữ viết nó dựa vào. Như vậy, do được xây dựng dựa trên hệ thống chính tả của một số ngôn ngữ Roman mà chữ Quốc ngữ của tiếng Việt cũng thừa hưởng những điểm đặc biệt [có trong các chữ viết này], có thể được giải thích căn cứ trên diễn tiến phát âm của tiếng Latin ở châu Âu. Vào thế kỉ thứ III trước CN, như chúng ta đều biết, tiếng Latin chỉ được nói ở thành Rome, rồi lan rộng ra khắp châu Âu vào thời kỳ đế chế Roman cho tới thế kỷ thứ V sau CN, trừ một ít vùng không nói tiếng Latin, ví dụ như một vùng nhỏ phía Tây Pyrénées, nơi tiếng Basque vẫn được lưu giữ. Về sau những biến thể tiếng Latin nói ở các vùng khác nhau thay đổi theo những cách khác nhau: tiếng Latin vùng Florence trở thành tiếng Ý, tiếng Latin vùng Paris trở thành tiếng Pháp và tiếng Latin vùng Burgos trở thành tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, trên toàn cõi Roman tiếng Latin cổ tiếp tục được dùng như là ngôn ngữ của tôn giáo và khoa học, cho dù cách phát âm nguyên gốc chính xác của nó đã thay đổi. Cho tới nay, tiếng Latin cổ vẫn là ngôn ngữ của Giáo hội Công giáo Roman và các nhà nghiên cứu lịch sử tự nhiên nói đến các cây trồng và vật nuôi bằng các tên Latin. Các ngôn ngữ như tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha ngày nay được gọi là “các ngôn ngữ Latin”, “các ngôn ngữ Latin Mới” hay “các ngôn ngữ Roman”. Bảng chữ cái tiếng Latin được dùng cho các ngôn ngữ khác của châu Âu (tiếng Celtic, các tiếng German và các tiếng Slav) bởi các học giả biết cách phiên âm Latin các từ tiếng Hy Lạp (tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ văn hóa của thời kì Tiền Trung Cổ (Antiquity)).

Trong bài báo này, tôi sẽ chỉ ra những điểm đặc biệt mà bảng chữ cái tiếng Việt [hiện nay gọi là Quốc ngữ] đã thừa hưởng từ các ngôn ngữ Roman; vì sao nó khác với bảng chữ cái tiếng Pháp mặc dù tiếng Pháp cũng là một ngôn ngữ Roman; và hai bảng chữ cái tiếng Việt và tiếng Pháp khác với các bảng phiên âm của các nhà ngôn ngữ học như thế nào.

Trật tự sắp xếp các chữ cái trong một hệ thống chữ viết có một lịch sử lâu đời. Chúng ta biết rằng bảng chữ cái “alphabet” là phát minh của người Phoenicia (Tây-Bắc Palestine ngày nay) và từ đây lan đi khắp cộng đồng nói tiếng Hy Lạp. Ở Đông Hy Lạp, người ta đã cải tiến nó để cho ra đời bảng chữ cái tiếng Hy Lạp như ngày nay. Ở Tây Hy Lạp nó chuyểnsang một dạng thức hơi khác và lan truyền tới Ý, nơi người ta đã cải tiến nó để cho ra đời bảng chữ cái Latin (Roman). Thứ tự các chữ cái ngày nay trong bảng chữ cái Roman, chẳng hạn – thứ tự mà chúng ta dùng trong từ điển – là giống với thứ tự trong bảng chữ cái tiếng Hy Lạp và tiếng Hebrew (ngôn ngữ của các cư dân sống ở khu vực Palestine cổ). Nólà một thứ tự truyền thống đơn thuần màta không thể giải thích hay chứng minh. Thứ tự này khác hẳn với thứ tự trong bảng chữ cái tiếng Hindu cổ, được sắp xếp một cách khoa học, phân chia các phụ âm và nguyên âm, và phân loại các phụ âm theo vị trí cấu âm của chúng, bắt đầu từ vị trí sâu trong miệng sau tiến dần ra đến môi.

[Các phụ âm sẽ được trình bày đầu tiên (mục 1 của phần I) sau đến nguyên âm (mục 2); phần II sẽ bao gồm một số ghi chép về thanh điệu.]

Phần I: Các phụ âm và nguyên âm

Bảng chữ cái tiếng Hy Lạp và tiếng Latin được thiết lập rất tốt theo phát âm của tiếng Hy Lạp và tiếng Latin. Mỗi chữ cái ghi một âm.

1. Phụ âm

Tiếng Latin gồm hai loạt phụ âm tắc (phụ âm khi phát ra bị cản trở hoàn toàn tại một vị trí nào đó trong miệng) loạt hữu thanh (tức dây thanh rung), /b/, /d/, /g/, viết là B, D, G, và loạt vô thanh (tức dây thanh không rung), /p/, /t/, /k/, viết là P, T, C, Q. Hệ thống hai loạt phụ âm này vẫn còn tìm thấy trong tiếng Pháp. Trái lại, trong tiếng Hy Lạp cổ đại có tới 3 loạt phụ âm tắc: loạt hữu thanh (/b/, /d/, /g/, viết là Β, Δ, Γ), loạt vô thanh, không bật hơi (/p/, /t/, /k/, viết là Π, Τ, Κ), và loạt vô thanh bật hơi (/pʰ/, /tʰ/, /kʰ/, viết là Φ, Θ, Χ). Giới trí thức Latin ghi lại loạt phụ âm thứ ba này bằng cách thêm chữ H vào sau phụ âm tắc tạo thành các tổ hợp PH, TH, KH. Nhưng trước khi thời kì Tiền Trung Cổ kết thúc, cách phát âm tiếng Hy Lạp biến đổi: tất cả các phụ âm tắc đều bị xát hóa, tức thay vì bị ngăn trở toàn bộ, luồng hơi vẫn thoát ra được từ một kẽ hở nào đó trên đường đi. Do vậy, khi bảng chữ cái Roman được dùng để phiên âm các ngôn ngữ German vào giai đoạn bắt đầu thời kì Trung Cổ, các tổ hợp PH, TH, KH vẫn còn được sử dụng nhưng các từ chứa chúng bây giờ đã bị xát hóa. Kết quả là PH, TH, KH được các học giả sử dụng với giá trị ngữ âm mới, khác với giá trị của chúng trong tiếng Latin cổ: chúng được dùng để ghi các âm xát. Đây là lí do vì sao cho đến ngày nay, TH được dùng cho âm xát trong tiếng Anh và CH dùng cho âm xát trong tiếng Đức. Trong tiếng Latin PH (/pʰ/) phải được phát âm giống F (như /f/) và TH phải được phát âm giống T (/t/). Chính vì thế mà tiếng Pháp phát âm: /t/ cho TH và /f/ cho PH. Trong tiếng Việt, tình hình tương tự với tiếng Hy Lạp: TH vẫn là một âm tắc bật hơi giống như của tiếng Hy Lạp cổ; PH là một âm xát giống trong tiếng Hy Lạp hiện đại. Trong phiên âm khoa học, các âm xát cần phải được phân biệt một cách thận trọng với các âm tắc bật hơi. Âm xát thường được thể hiện bằng các con chữ Hy Lạp ɸ, Θ, χ cho loạt vô thanh (hai môi: /ɸ/, răng: /Θ/, ngạc mềm: /χ/) và β, δ, γ cho loạt hữu thanh (hai môi: /β/, răng: /δ/, ngạc mềm: /γ/). Các âm tắc bật hơi là ph, th, kh [IPA: /pʰ/, /tʰ/, /kʰ/], một sốtác giả phiên âm chúng là p‘, t‘, k‘, với một dấu móc nhỏ mà phần lõm hướng về bên phải: dấu “thở hắt” (spiritus asper) trong chữ viết tiếng Hy Lạp, được sáng tạo bởi người Hy Lạp thời Alexandria để miêu tả tính chất bật hơi có trong một số biến thể phương ngữ tiếng Hy Lạp (chứ không phải tiếng Hy Lạp vùng Athen), nơi mà chữ H đã được dùng để ghi một nguyên âm [viết hoa là H, viết thường là η]. Để ghi các âm trên, các nhà Anh Điêng học (Indianists) dùng chữ ph, th, bh, dh còn các nhà Hán học thì dùng p‘, t‘, b‘, d‘ để ghi chúng.

Tiếng Latin có bốn loại âm tắc: âm tắc môi (labials) B, P (/b/, /p/), được tạo ra với hai môi chạm nhau; âm tắc đầu lưỡi (apicals) – (dentals-âm răng) T, D (/t/, /d/), được tạo nên với đầu lưỡi (tên Latin là: apex) áp vào chân răng; âm tắc mặt lưỡi (dorsals, cũng gọi là âm vòm – palatals): C, G (/c/, /ɟ/), được tạo ra với gốc lưỡi tiếp xúc với ngạc cứng – vòm miệng (palate). Chữ cái Q ghi một âm tắc vòm mềm (velar stop), được tạo nên bằng gốc lưỡi tiếp xúc với phần ngạc mềm (velum); trong tiếng Latin, âm này luôn bị môi hóa [IPA /kʷ/], tức là khi phát âm phải tròn môi (như trong nguyên âm U [IPA: /u/] của tiếng Việt). Bởi vậy, trong hệ thống chữ viết Latin, Q có thêm chữ cái U theo sau. QU [IPA: /kʷ/] là một âm tắc vô thanh tương liên với âm tắc hữu thanh GU [IPA: /gʷ/]. Sự đối lập này được bảo lưu trong tiếng Rumani, nơi mà từ Latin AQUA “nước” chuyển thành apa trong khi LINGUA “lưỡi” lại chuyển thành limba [tức là, sự đối lập giữa /kʷ/ và /gʷ/ trước đây trong tiếng Latin vẫn còn giữ nét đối lập về tính thanh trong tiếng Rumani, giữa /p/ và /b/]. Trong tiếng Latin, QUI là một âm tiết đơn /kʷi/], trong khi CUI lại là một kết cấu hai âm tiết [IPA: /ku.i/].

Cách phát âm tiếng Latin cổ của cặp đối lập QU và GU chỉ được bảo lưu trong tiếng Ý, và chính từ tiếng Ý mà cách đọc này được mượn để dùng trong chữ viết tiếng Việt [nơi QU viết cho /kʷ/]. Trong tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha các âm môi ngạc mềm (labiovelar) biến thành âm mặt lưỡi (dorsal) (trừ khi đứng trước A). Vì vậy, từ Latin QUAMQUAM được phát âm là CANCAN [IPA: /kɑ͂kɑ͂/, với phụ âm đầu là /k/, chứ không phải /kʷ/] trong các trường học ở Paris thế kỉ XVI.

C, G

Lịch sử của C rất phức tạp. Để bắt đầu, bằng việc so sánh bảng chữ cái tiếng Latin và bảng chữ cái tiếng Hy Lạp, người ta thấy rằng chữ cái thứ ba của bảng chữ cái Hy Lạp là một âm mặt lưỡi hữu thanh (voiced dorsal), Γ (viết thường: γ), chứ không phải âm mặt lưỡi vô thanh (unvoiced dorsal) như trong tiếng Latin (C). Sở dĩ như vậy là vì bảng chữ cái tiếng Latin chịu ảnh hưởng bởi người “hàng xóm” của mình – người Etruscan, người phân biệt các âm tắc bật hơi và không bật hơi [ví dụ: /tʰ/ và /t/] nhưng không phân biệt các âm tắc hữu thanh và tắc vô thanh [ví dụ: /d/ và /t/]. (Người Trung Quốc ở Bắc Kinh và Quảng Đông cũng vậy). Vì vậy, người Etruscan đã dùng chữ cái thứ ba của bảng chữ cái để ghi một âm mặt lưỡi vô thanh.Người Latin, trái lại, có sự phân biệt giữa âm tắc vô thanh và hữu thanh nên việc dùng cùng một chữ cái cho cả hai loại âm tắc này là không hợp lí. Vì vậy, họ đã thêm một dấu ngang để phân biệt chữ G với chữ C. C vẫn ở vị trí thứ ba trong bảng chữ cái, trong khi G rơi xuống vị trí ban đầu thuộc về Z [viết thường: ξ] trong bảng chữ cái tiếng Hy Lạp, kí tự mà lúc bấy giờ không được dùng trong tiếng Latin. (Hai chữ cái tiếng Hy Lạp là Y và Z nằm ở những vị trí cuối cùng trong bảng chữ cái tiếng Latin, bởi vì, như chúng ta sẽ thấy ở dưới, mãi về sau chúng mới được vay mượn).

Trong tiếng Latin, C có cùng một cách phát âm trong âm tiết CE cũng như trong âm tiết CO. Điều này vẫn còn được bảo lưu trong các ngôn ngữ Celtic của các đảo nhỏ thuộc Anh (Ai-len và xứ Wale), những ngôn ngữ không phải Roman (non-Romance) đầu tiên vay mượn bảng chữ cái Latin. Nhưng, trong tiếng Latin, từ thế kỉ thứ IV trở đi, khi phụ âm mặt lưỡi đi trước các nguyên âm E, I (/e/, /i/) – những âm đòi hỏi vị trí trước của lưỡi, nó trở thành một phụ âm tiền ngạc (prepalatal), trong khi phát âm nó phần trước và sau của lưỡi đều đồng thời tiếp xúc với phần trước ngạc. Những phụ âm như thế có mặt trong hệ thống âm vị các ngôn ngữ Đông Dương trong một thời gian rất dài và giữ vị trí vững chắc trong các ngôn ngữ này. Trái lại, ở châu Âu, những âm mới này rất khó thẩm âm và điều nổi bật dễ nhận ra là khi phát âm chúng, lưỡi phải có hình dạng giống như một cái “máng”(channel-like form): nếu như “máng” nghiêng về phía cuống lưỡi, ta được âm xuýt sau (non-anterior sibilant stop)[4] [kí hiệu IPA ngày nay là /ʧ/, một âm tắc xát-lợi], như CI, CE trong tiếng Ý; nếu máng nghiêng về phía đầu lưỡi, ta được âm tắcxuýt trước (anterior sibilant stop) [IPA: /ʦ/, âm tắc xát-lợi (alveolar affricate)]: đây là cách CI, CE được phát âm trong tiếng Pháp cổ và tiếng Tây Ban Nha cổ. Âm sau cùng này hiện còn tìm thấy trong tiếng Bắc Kinh và tiếng Quảng Đông, song không có ở Đông Dương.

Trong khi đó, các phụ âm trong các âm tiết tiếng Latin như TIA, TIO đã trở thành những âm tắc xuýt trước [tức là âm xát /ʦ/] trong tiếng Ý cũng như các ngôn ngữ Roman khác. Chữ Z của tiếng Hy Lạp được vay mượn để ghi âm tắc xuýt trước hữu thanh [tức âm /ʣ/]. Trong tiếng Ý, Z biểu thị cho cả âm hữu thanh lẫn vô thanh [tức cả /ʣ/ and /ʦ/].

K, KH, GH

Khi bảng chữ cái Latin được dùng để ghi các ngôn ngữ Germanic (vào thế kỉ thứ VII), sau đó là các ngôn ngữ Slav, những ngôn ngữ có các âm tắc này, Z và C được sử dụng. Người ta đã phải mượn chữ cái K của tiếng Hy Lạp (kí tự trong bảng chữ cái tiếng Latin vẫn giữ nguyên vị trí gốc như trong bảng chữ cái tiếng Hy Lạp) để biểu thị âm tắc-mặt lưỡi (dorsal stop).

Điều này giải thích cho chính tả chữ Quốc ngữ, trong đó người ta viết CA, CÔ, CU [cho /ka/, /ko/, /ku/] nhưng KÊ, KI [cho /ke/, /ki/].Trong tiếng Việt, QU không thể sử dụng theo cách mà nó được sử dụng trong tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha [tức cho /k/] vì QU đã được dùng để biểu thị một âm khác của tiếng Việt [IPA /kʷ/]; âm /k/ tiếng Việt cũng không thể được viết là CH (như nó được dùng trong tiếng Ý) vì CH đã được dùng để biểu thị âm tắc vô thanh tiền ngạc, như ta sẽ thấy dưới đây. Điều này cũng loại bỏ việc dùng CH như một kí hiệu cho âm tắc bật hơi [IPA: /kʰ/]. Từ đó dẫn tới việc sử dụng KH để biểu thị âm tắc bật hơi này [IPA: /kʰ/], trước mọi nguyên âm. Tính mặt lưỡi hữu thanh cũng tạo ra một vấn đề tương tự: GA, GÔ, GU [cho các âm tiếng Việt /ɣa/, /ɣo/, /ɣu/], nhưng GHÊ và GHI [cho các âm /ge/ và /gi/, hiện nay là /ɣe/ và /ɣi/] chứ không phải là GÊ và GI; người ta cũng không thể dùng tổ hợp GUÊ và GUI, vốn được dùng trong trường hợp phụ âm đầu là một âm môingạc mềm, như cách ghi trong tiếng Ý, vì thế phải viết là GHÊ, GHI.

Trong ghi âm khoa học thì kí hiệu k vẫn thường được dùng cho âm tắc mặt lưỡi vô thanh (unvoiced dorsal stop), và g được dùng cho âm tắc mặt lưỡi vang (sonorant dorsal top).

CH

Trong các ngôn ngữ Tây Roman xuất hiện một âm tắc tiền ngạc (prepalatal stop) mới và sau đó chuyển thành một âm tắc xuýt sau (non-anterior sibilant stop) [IPA: âm xát sau lợi (postalveolar affricate), /ʧ/]. Trong tiếng Pháp, nó bắt nguồn từ âm tiết CA của tiếng Latin: ví dụ, calidum “nóng” thành chaud (tiếng Pháp), caballum “ngựa” thành cheval (tiếng Pháp). Âm tắc xuýt sau [IPA: âm xát sau lợi (postalveolar affricate), /ʧ/] được viết là CH, trong đó chức năng của H chỉ là báo hiệu rằng âm C này được phát âm khác với C trong CO và CE. Trong thời kì Charle Đại đế (Charlemagne) – thế kỉ thứ VIII, âm này vẫn là một âm tắc tiền ngạc (prepalatal stop); trong tiếng Pháp cổ (thế kỉ thứ IX), nó đã biến thành một âm tắc xuýt sau [IPA: /ʧ/] – một nét được bảo lưu trong tiếng Anh. Trong tiếng Bồ Đào Nha, nó lại bắt nguồn từ tổ hợp phụ âm đầu PL, CL; còn trong tiếng Tây Ban Nha, nó bắt nguồn từ tổ hợp CT nằm giữa từ (word-medial), ví dụ: tiếng Latin là noctem “đêm” ban đầu chuyển thành noite, như đang còn giữ trong tiếng Bồ Đào Nha, sau chuyển thành noche. Trong tiếng Basque, âm tắc tiền ngạc này vẫn còn tồn tại, ví dụ trong từ éche “ngôi nhà”.

Vận dụng tình hình đó trong các ngôn ngữ mà họ quen thuộc, thật dễ hiểu là những người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ghi âm tắc tiền ngạc trong tiếng Việt bằng CH.

Kí hiệu khoa học của âm tắc ngạc (palatal stop), một âm ít gặp ở châu Âu, chưa thực sự thống nhất [IPA chuẩn hiện nay: /c/]; đôi khi nó được kí hiệu là kˈ hoặc tˈ trong đó dấu ˈ chỉ tính chất mềm hóa, một hiện tượng được đề cập đến trong tiếng Pháp là mouillure, nghĩa đen là ‘làm ướt’, vì khi phát âm âm này vị trí nằm ngang của mặt dưới lưỡi chạm vào ‘làm ướt’ ngạc. Kí hiệu này được mượn từ một ngôn ngữ Slav, tiếng Séc, và nó quen thuộc với công chúng châu Âu qua thương hiệu giầy Batˈa nổi tiếng. Các nhà ngữ âm học Anh và Trung Quốc phản đối cách thêm dấu phụ ở bên cạnh chữ cái và họ thêm một dấu lượn ở bên dưới con chữ. Các nhà Anh Điêng học ghi nó bằng C. Thực ra, âm tắc tiền ngạc này của tiếng Sanskrit chỉ đượclưu giữ ở Đông Dương, trong việc vay mượn chữ Sanskrit để ghi âm tiếng Khmer và tiếng Lào. Ở Ấn Độ, âm này đã chuyển thành một âm tắc xuýt sau [IPA: âm xát sau lợi (postalveolar affricate), /ʧ/]. Với những âm tắc xuýt (sibilant stop), các kí hiệu được dùng phổ biến trong tiếng Séc: C dùng cho âm tắc xuýt trước [tức /ʦ/], Č cho âm tắc non-anterior [tức /ʧ/] (vì vậy “Czech” được ghi là česky). Kí hiệu Č là một cách viết tắt của CZ, một tổ hợp vẫn còn được sử dụng trong tiếng Ba Lan. Tiếng Séc không có âm tắc xuýt trước hữu thanh (voiced anterior sibilant stop) nào, và Z được sử dụng để ghi một âm xát hữu thanh [tức âm xát /z/] như trong tiếng Pháp.

Tiếng Pháp cổ có những âm tắc như thế [IPA: tắc xát (affricate)]; vào thế kỉ thứ XIII chúng yếu dần thành những âm xát (sprirant). Âm tắcxuýt trước trở thành âm xát xuýt anterior. Kể từ đó, CE và CI được phát âm giống như SE và SI. Đồng thời, âm hữu thanh tương ứng biến thành âm hữu thanh tương ứng với /s/, tức /z/. Âm tắc xuýt sau [tức âm tắc xát /ʧ/] biến thành một âm xát non-anterior: trong tiếng Pháp, CH không còn phát âm giống CH trong tiếng Anh [tức /ʧ/] nữa, mà phát âm giống SH trong tiếng Anh [tức /ʃ/]. Một âm đầu từ I của tiếng Latin theo sau bởi một nguyên âm cũng theo cách trên mà chuyển thành một âm tắc ngạc hữu thanh (voiced palatal stop) (giống như G trong GE, GI /ge/, /gi/), sau đó lại chuyển thành một âm tắc non-anterior hữu thanh (voiced non-anterior sibilant stop) [IPA /ʤ/] (âm đầu từ J, nguyên gốc trong tiếng Latin là I, vẫn có giá trị này trong tiếng Anh), và cuối cùng, vào thế kỉ thứ XIII chuyển thành một âm xát non-anterior hữu thanh (voiced non-anterior spirant) như trong tiếng Pháp [IPA: /ʒ/].

GI, D, Đ

Kí hiệu của âm xát (/ʒ/) nói đến ở trên, như J trong tiếng Pháp, chỉ xuất hiện từ thế kỉ thứ XVII. Trước đó, J chỉ đơn giản là hình thức mà I biểu thị khi nằm ở vị trí đầu từ. Vì thế người ta từng viết jnde (trong tiếng Pháp hiện nay là Inde “Ấn Độ”), jure (hiện nay là ivre, “nói”), jean (cho danh từ riêng vẫn viết như Jeanngày nay; tương đương với “John” trong tiếng Anh).v.v. Trong tiếng Ý, tổ hợp GI từng được sử dụng trong tất cả các trường hợp mà âm tương ứng với nó là một phụ âm, ví dụ: Giovannis “John”. Như vậy, vào thế kỉ thứ XVII, khi một hệ thống chữ viết Roman được áp dụng cho tiếng Việt, J không tồn tại như một chữ cái riêng đối lập với I; cho nên ta có thể dễ dàng hiểu được vì sao GI sau đó được dùng để ghi âm xát hữu thanh tiền ngạc (/ʒ/). Khi nó trở thành kí hiệu ghi âm tắc tiền ngạc hữu thanh (voiced prepalatal stop)[5], mà người châu Âu nghe tựa như một âm ngạc hóa /d/ thì một chữ cái D đơn giản được dùng, không có thêm dấu phụ. Trong tiếng Việt cũng có một âm tắc răng [và tiền thanh hầu hóa – preglottalized] hữu thanh [IPA: âm khép hữu thanh (voiced implosive) /ɗ/] nên để ghi âm nó, những người sáng chế ra bộ chữ cái tiếng Việt đã nghĩ ra một chữ cái mới, Đ, bằng cách thêm vào chữ D một dấu ngang tương tự như cái trong chữ T, vốn là âm đối lập tính thanh với Đ.

S, TR

Âm tắc xuýt trước (anterior sibilant stop) của tiếng Tây Ban Nha cổ, được viết là C và Z khi phát âm nhẹ đi, nhưng không trở nên bị lẫn lộn với S giống như trong tiếng Pháp. Nó đã trở thành một âm xát răng (dental spirant) giống như TH trong tiếng Anh [IPA: /θ/]. Vì thế, khi phát âm nó lưỡi sẽ nhích ra trước hơn so với âm S tiếng Pháp. Ở một số vùng (đặc biệt là vùng Soule Basque), Z tương ứng với S tiếng Pháp: nó là một âm xát răng [IPA: /s/], trong khi S được phát âm lùi về sau hơn trong miệng và trở thành một âm xát quặt lưỡi (cacuminal/retroflex spirant) [IPA: /ʂ/]. “Cacuminal” có nghĩa là nó được phát âm ở đầu – tiếng Latin cacumen – vòm miệng, nó cũng có thể được gọi “quặt”, nghĩa là lưỡi quặt về sau. Tiếng Việt có một âm xát quặt lưỡi, nó được ghi bằng chỉ một chữ S đơn giản vì có sự tương đồng với âm S vừa nhắc đến ở trên, trong khi âm tắc tương ứng [IPA: /ʈ/] được ghi bằng kết hợp TR. Những phụ âm này hiếm gặp trong các ngôn ngữ châu Âu và người châu Âu thường nhầm chúng với những phụ âm xuýt sau (non-anterior sibilant). Chẳng hạn, tiếng Trung có một phụ âm được phiên âm là TCH trong hệ thống Latin hóa của EFEO (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp), CH trong hệ thống Wade-Giles. Những kí tự này xuất hiện gợi ý rằng đây là một phụ âm tắcxuýt sau [IPA: /ʧ/], được phát âm với cuống lưỡi đồng thời chu môi ra trước, trong khi thực ra nó chỉ là một âm quặt lưỡi [IPA: /tʂ/], được phát âm với đầu lưỡi uốn cong lên chạm ngạc cứng. Những phụ âm như thế [IPA: âm quặt lưỡi (retroflex)] rất hay gặp ở Ấn Độ; các nhà Anh Điêng học phiên âm chúng bằng cách thêm một dấu chấm ở dưới: ṣ ṭ ḍ. Còn các nhà ngữ âm học Anh và Trung Quốc lại thêm một dấu móc hướng về sau vào dưới chữ cái: ʂ ʈ ɖ [điều này đã trở thành chuẩn của IPA]. Những âm này hiếm gặp ở Đông Dương: ở đồng bằng Bắc bộ, chúng đã chuyển thành những phụ âm tiền ngạc (prepalatals).

X

Trong tiếng Latin, chữ cái X được dùng để ghi 2 âm: nó là chữ viết tắt cho CS. Trong các ngôn ngữ Roman, nhóm phụ âm này biến đổi theo cách giống nhóm CT: nó chuyển thành IS (vd: tiếng Latincoxa, tiếng Pháp cuisse [/kɥis/] “đùi”). Tuy nhiên vào thời Trung Cổ, xảy ra một thói quen chính tả liên kết các tổ hợp US và IS thành một kí hiệu đơn, kí hiệu phần nào nhìn qua giống với chữ X của tiếng Latin; thêm vào đó, từ có tổ hợp IS trong tiếng Pháp thường tương ứng với những từ có chữ X trong tiếng Latin; vì vậy, X trở nên được sử dụng thay thế cho S sau U hoặc I. Đó là lí do tại sao tiếng Pháp phát âm soixante ‘sáu mươi’ y như soissante [IPA: /swasɑ̃t/], Auxerre (tên một địa danh) y như Ausserre [IPA: /osɛʁ/], và Bruxelles (Brussels) y như Brusselles [IPA: /bʁysɛl/]; điều này cũng giải thích tại sao số nhiều của cheval‘ngựa’ là chevaux, số nhiều của genou ‘đầu gối’ là genoux. Đây đơn giản là một thói quen chính tả. Nhưng khi các từ được vay mượn từ tiếng Hy Lạp vào tiếng Pháp vào thế kỷ thứ XVI, chữ cái X lại được phát âm như KS, GZ [IPA: /ks/, /gz/].

Chúng ta đã thấy rằng trong tiếng Tây Ban Nha, tổ hợp IT đã biến đổi thành một âm tắc tiền ngạc và điều tương tự cũng xảy ra với tổ hợp IS, được viết là X. Vì vậy, trong tiếng Tây Ban Nha cổ, X đại diện cho một âm xát tiền ngạc; song nó được người Pháp nghe như một âm xuýt sau (non-anterior sibilant): Don Quixotevà Ximena được người Pháp viết là Don Quichotte và Chimène [cả hai đều được phát âm với một /ʃ/]. Nhưng, tên của nhà truyền giáo nổi tiếng Xavier (một tên theo tiếng Tây Ban Nha xứ Basque, tương đương với tiếng Pháp vùng Basque là echeverry, ‘nhà mới’) lại được xem như một từ đã biết và được phát âm là Gzavié [IPA: /gzavje/].

Những dữ liệu này giải thích vì sao âm xát tiền ngạc (prepalatal spiral) trong tiếng Việt được ghi là X.

Kí hiệu của âm xát này trong bảng IPA là ç (chữ cái c với dấu móc câu nhỏ bên dưới), nhưng nếu nó được phát âm gần giống với một âm xuýt (trước, như trong tiếng Việt, hoặc không phải trước), thì dấu phụ biểu thị sự ngạc hóa được thêm vào phụ âm xuýt tương ứng (như được dùng trong tiếng Ba Lan: s’, c’). Những âm xát xuýt hàng trước luôn được ghi là S, Z [IPA: /s/, /z/]. (…)[6] Theo các nhà ngữ âm học Anhvà Trung Quốc, các âm tắc xuýt cần được ghi bằng hai kí hiệu, theo thứ tự tắc + xát: /ts/, /dz/ cho những âm xuýt trước lưỡi(anterior sibilants) và /ʧ/, /ʤ/ cho những âm xuýt sau (non-anterior sibilants). (…) Các âm tắc uốn lưỡi trong tiếng Việt và tiếng Hán đều được ghi là ṭṣ, ḍẓ hay ʈʂ, ɖʐ. Những âm tắc được các nhà ngữ âm học ghi với hai chữ cái được coi là bị tắc xát hóa (affricatived).

N, NH, NG

Các âm mũi (âm tắc hữu thanh với vòm mềm hạ thấp, khiến luồng khí từ phổi thoát ra một phần theo mũi) N, M có giá trị như nhau trong tất cả các ngôn ngữ. Nhưng trong tiếng Pháp, khi N, M ở vị trí cuối của một âm tiết, chúng không còn được phát âm như thế nữa: thay vào đó nguyên âm bị mũi hóa (vòm mềm hạ thấp trong khi phát âm nguyên âm). Trong tiếng Bồ Đào Nha, hiện tượng tương tự cũng xảy ra, nhưng N được viết thành dấu ̃, viết trên đầu nguyên âm. Các nhà ngôn ngữ học sau này dùng kí hiệu này để chỉ các nguyên âm mũi, ví dụ /ɑ̃/. Trong tiếng Tây Ban Nha, chữ N kép (hai chữ N) viết thêm dấu ̃, tức ñ; sau này chữ N kép này chuyển thành một âm mũi tiền ngạc (prepalatal nasal); các nhà Anh Điêng học (Indianists)[7] đã mượn kí hiệu ñ này cho âm mũi-tiền ngạc. Trong tiếng Pháp và tiếng Ý, âm mũi-tiền ngạc bắt nguồn từ tổ hợp phụ âm GN của tiếng Latin; quy tắc chính tả này được bảo lưu trong tiếng Pháp và tiếng Ý, trong khi, trong phương ngữ Provençal và Gascon của tiếng Bồ Đào Nha, âm này được ghi là NH vì sự tương đồng với âm tắc tương ứng, CH. Cách viết NH này đã được vay mượn cho chính tả tiếng Việt. Các nhà ngữ âm học Anh ngữ và Hán ngữ học kéo dài và uốn cong nét đầu của N thành một nét cong: /ɲ/.

Cuối cùng, trong các ngôn ngữ Roman âm mũi mặt lưỡi (dorsal nasal) chỉ thỉnh thoảng mới gặp, khi N đi trước C hay G; âm này chỉ xuất hiện ở cuối từ trong tiếng Anh và tiếng Đức, và được viết là NG. Vì vậy thật tự nhiên để ghi âm này là NG trong tiếng Việt. Các nhà ngữ âm học Anh và Trung Quốc kết hợp 2 kí tự này bằng cách kéo dài nét thứ hai của n như với chữ g, vì thế có: ŋ. Các nhà Anh Điêng học ghi âm này với một dấu chấm trên đỉnh n, tức ṅ.

V

Giờ chúng ta tìm hiểu nguồn gốc của V. Trong tiếng Latin, V và U không phân biệt nhau: V là kí tự dùng để ghi nguyên âm môi-ngạc mềm (labiovelar), còn U chỉ là dạng viết thảo của V. Khi theo sau U là một nguyên âm, nó trở thành một phụ âm môi ngạc mềm [IPA: /w/], rồi một phụ âm môi răng (tương ứng hữu thanh với F [IPA: /v/, đối lập với /f/]); sự biến đổi này xảy ra vào khoảng thế kỉ thứ VI sau Công nguyên. Trong khi đó không có sự thay đổi chính tả nào xảy ra cho đến tận thế kỉ thứ XVII, nên hai âm khác nhau này được viết như nhau. Chữ cái V được dùng ở vị trí đầu từ, khi nó biểu thị một nguyên âm (giống như trong vn “một” [trong tiếng Pháp hiện nay được viết là un]) cũng như khi nó biểu thị một phụ âm (như trong vent“gió” [vẫn được viết là vent trong tiếng Pháp hiện nay]). Ở vị trí giữa từ, U được dùng, như trong chanure “sợi gai dầu” [trong tiếng Pháp hiện giờ là chanvre] hay mur [tiếng Pháp hiện nay: mur]. Tuy nhiên, trong các ngôn ngữ khác, một kí tự khác được dùng sớm hơn thế kỉ thứ XVII: vì phụ âm môi ngạc mềm này đã chuyển thành một âm môi răng trong các ngôn ngữ Roman vào thế kỉ thứ VI, nên các học giả nói tiếng Roman, những người đã chế tác hệ thống chính tả cho các ngôn ngữ German, đã sáng tạo ra một kí tự mới cho phụ âm môi ngạc mềm mà họ bắt gặp trong các ngôn ngữ này: một chữ cái “double U” (trong tiếng Anh vẫn gọi như vậy), chữ cái đưa đến hình dạng ngày nay là W (được gọi là “double V” trong tiếng Pháp). Các phương ngữ của tiếng Anh và tiếng Pháp miền Bắc (Picard, Wallon) ngày này vẫn giữ một âm môi ngạc mềm này, bởi vậy cách phát âm từ Wallon [/walɔ̃/, chứ không phải /valɔ̃/]. Trong khi đó, trong tiếng Đức, Hà Lan và Ba Lan, W được dùng để ghi một âm môi răng (vì vậy mà phụ âm đầu Wagram, Würtenberg được phát âm như một âm môi răng [/v/]). Các nhà ngôn ngữ học phân biệt V môi-răng với W môi ngạc mềm.

H

Điểm cuối cùng cần chú ý về phụ âm, chúng ta biết rằng trong tiếng Pháp có một phụ âm có chữ viết nhưng không được phát âm: đó là âm “H bật hơi” (aspirated H) nhằm tránh việc đọc nuốt quán từ [vì vậy phải viết là la hache, le hibou “cái rìu”, “con cú” chứ không ghi là l’hache, l’hibou], song nó không còn được phát âm nữa, ngoại trừ ở một số khu vực (như Lorraine hay Normandie). Trái lại, tiếng Việt có một phụ âm được phát âm nhưng lại không có chữ viết: âm tắc thanh hầu (đột ngột mở thanh quản) đứng đầu các từ bắt đầu bằng nguyên âm. Trong phiên âm khoa học, âm này được ghi bằng một kí tự gọi là “spiritus lenis” của hệ thống chữ viết Hy Lạp, một dấu móc câu với phần lõm uốn về sau: ˁ.

Các nhà ngữ âm học Anh và Trung Quốc dùng dấu nghi vấn để ghi phụ âm này:? [IPA hiện thời: ʔ]

2. Nguyên âm

A, E, I, O, U

Tiếng Latin có 5 nguyên âm:

(i) A: một nguyên âm mở (tức với khoảng cách lớn nhất giữa lưỡi và vòm miệng)

(ii) và (iii): hai nguyên âm khép cực đại (maximally closed). I, một nguyên âm tiền ngạc (prepalatal), miêu tả chính xác hơn là một nguyên âm trước (anterior vowel), căn cứ vào vị trí lưỡi; I không phải là âm tròn môi, tức khi phát âm môi không mở rộng. U, một nguyên âm ngạc mềm, chính xác hơn là một nguyên âm sau (posterior vowel) (xét theo vị trí lưỡi) và là một âm tròn môi: môi chúm lại và tròn.

(iv) và (v): hai nguyên âm trung bình (nửa mở): E nằm giữa I và A; O nằm giữa U và A.

U, vào khoảng thế kỉ thứ 10, thay đổi giá trị ngữ âm trong tiếng Pháp cổ, trở thành một nguyên âm trước, tròn môi [IPA: /y/]. Phiên âm khoa học của nguyên âm tiếng Pháp này là ü (còn ö thì được dùng để kí hiệu cho nguyên âm nằm giữa ü và A); Phiên âm này bắt nguồn từ tiếng Đức, nơi xuất hiện dấu hai chấm (Tréma, hay Umlaut trong tiếng Đức) dùng cho E rút gọn: ü cho ue và ö cho oe. Trong khi đó, các nhà ngữ âm học Anh thích dùng cách phiên âm Y của Scandinavia hơn.

Y

Trong tiếng Hy Lạp cổ, nguyên âm khép dòng sau tròn môi [IPA: /u/], được ghi là Y, đã chuyển thành một phụ âm trước tròn môi (anterior rounded consonant). Các học giả Latin đã mượn chữ cái Y của Hy Lạp để kí hiệu cho nguyên âm này, hiện không còn trong tiếng Latin. Trong tiếng Hy Lạp, nguyên âm này sau đó bị lẫn lộn với I, và cả trong tiếng Latin nó trở nên được phát âm như I. Do đó mà người Pháp ngày này vẫn gọi chữ cái Y bằng cái tên “I Hy Lạp” (Greek I). Về vai trò của nó trong bảng chữ cái tiếng Việt: trong tiếng Pháp, Y thường được dùng để kí hiệu âm xát tiền ngạc hữu thanh (voiced prepalatal spirant) và liên hệ giữa Y với I giống như liên hệ giữa W với U; đây là cách ghi mà các nhà Anh Điêng học [và Phi-châu học] sử dụng. Song, các nhà ngữ âm học Anh lại ưa dung j để kí hiệu cho âm này hơn. [cách ghi là /j/ nay đã trở thành cách ghi chuẩn trong IPA].

Tiếng Latin phân biệt các nguyên âm ngắn và nguyên âm dài. Các kí hiệu là: a cho nguyên âm dài, ă cho nguyên âm ngắn; Kí hiệu thứ hai đã được dùng trong tiếng Việt. Các nhà Anh Điêng học thì chỉ ghi nguyên âm dài mà bỏ sót các nguyên âm ngắn. Các nhà ngữ âm học Anh và Trung Quốc thì biểu thị độ dài của các nguyên âm bằng dấu hai chấm viết sau nguyên âm hoặc viết kép “double” nguyên âm: a: hoặc aa. [IPA: /aː/]

Ê, Ô, Â

Trong các ngôn ngữ Roman, các nguyên âm dài xuất hiện khi hai nguyên âm đi cùng nhau; chúng được ghi tắt bằng cách chỉ ghi một nguyên âm đồng thời thêm dấu mũ ^ vào bên trên nó, ví dụ: trong tiếng Pháp aage được viết là âge, meur viết là mûr. (Trong tiếng Pháp, ^ thường thể hiện một âm vốn là s trước đây, ví dụ:fête “lễ mừng” có hình thức trước đây là feste, pâte “hồ dán” là từ paste.) Tình hình tương tự cũng xảy ra trong tiếng Bồ Đào Nha, khi oo viết thành ô, ee[8] viết thành ê. Trong tiếng Bồ Đào Nha, các nguyên âm mới có cách phát âm khép nhiều hơn: ô nằm ở vị trí trung gian giữa o và u, và ê nằm giữa e và i. Đây chính là nguồn gốc các cách ghi được sử dụng cho các nguyên âm tiếng Việt. Trong tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý hay tiếng vùng Provence (Pháp) đều không có những phương tiện để phân biệt hai nguyên âm e lẫn hai nguyên âm o khác nhau này.

Trong tiếng Pháp, ô [IPA: /o/] khép nhiều hơn so với o [IPA: /ɔ/], và ê [IPA: /e/] cũng khép nhiều hơn so với e [IPA: /ɛ/]; theo tiêu chí này, một số nhà ngôn ngữ học đã sử dụng dấu sắc: ó, é để biểu thị mức độ khép hơn của các nguyên âm, và dấu huyền, tức ò, è để biểu thị mức độ mở hơn của các nguyên âm. Một cách khác là dùng dấu chấm vào bên dưới để chỉ các nguyên âm khép hơn và dấu móc vào bên dưới để chỉ các nguyên âm mở hơn. Cuối cùng, các nhà ngữ âm học Anh ngữ sử dụng e, o cho các nguyên âm đóng hơn và ɔ, ɛ (tức chữ C ngược và chữ epsilon của tiếng Hy Lạp) cho các nguyên âm mở hơn. Kí hiệu æ được dùng cho nguyên âm nằm giữa a và ɛ, giống như nguyên âm trong từ cat của tiếng Anh. Một chữ a nghiêng (i.e., ɑ) được dùng cho nguyên âm của từ pâte tiếng Pháp.

Trong tiếng Việt có một số nguyên âm sau không tròn môi [IPA: /ɯ/, /ɤ/]. Chúng được viết là ư và ơ, có thể là do lấy cảm hứng từ kí hiệu ü, ö đã nhắc đến ở trên, cho dù trên thực tế ư đối lập hẳn với ü xét về vị trí môi và lưỡi: ư [IPA: /ɯ/] là một nguyên âm sau và không tròn môi, trong khi ü [IPA: /y/] lại là một nguyên âm trước và tròn môi. Những nguyên âm này không có trong các ngôn ngữ Roman phía Tây, tuy nhiên chúng lại có trong các ngôn ngữ Roman phía Đông châu Âu: ví dụ: trong tiếng Rumani, từ “chó” có thể được ghi theo chính tả tiếng Việt là cưn. Các nguyên âm này thỉnh thoảng được ghi với hai dấu chấm (Tréma): ï, ë hoặc là với một dấu tròn phía dưới. Các nhà ngữ âm học Anh ghi chúng là /ɯ/, /ə/ [IPA /ə/ ngày nay được coi là một nguyên âm hàng giữa thực thụ, còn /ɤ/ được dùng cho một nguyên âm hàng sau, không tròn môi, độ mở trung bình], và /ʌ/, tức lần lượt viết ngược m, e và v. Nguyên âm cuối cùng (/ʌ/) tương ứng với âm â trong tiếng Việt.

Phần hai: Thanh điệu

Cuối cùng, chúng ta hãy tìm hiểu cách ghi các thanh điệu được mượn từ tiếng Hy Lạp cổ. Tiếng Hy Lạp cổ có hai thanh, được ghi là ´ và ῀, và một dấu thứ ba được dùng để ghi thanh điệu của những từ không có trọng âm: `. Những kí hiệu này được bổ sung thêm với các kí hiệu đánh dấu câu. Quả thực, trong các ngôn ngữ Roman, thanh điệu không thể được dùng để phân biệt các từ, song nó có thể phân biệt các câu, chẳng hạn, trong tiếng Pháp, câu nghi vấn C’est vrai? “Việc đó thật à?” nhờ dấu câu mà phân biệt với và câu trần thuật C’est vrai “Đây là sự thật.” Vì vậy, người ta đặt một dấu chấm nhỏ (giống với dấu chấm câu) dưới nguyên âm và một dấu hỏi trên nguyên âm để biểu thị thanh điệu [ở đây minh họa cho hệ thống 6 thanh trên nguyên âm A là: a à á ạ ả ã].

Các nhà ngữ âm học Anhvà Trung Quốc dùng một dấu thẳng đứng đặt bên phải từ kèm theo một dấu nhỏ mô tả đường nét và âm vực và tuyến điệu (modulation) của thanh điệu để kí hiệu chúng [ví dụ: ˥ ghi thanh cao, ˧ cho một thanh trung bình.v.v.].

Kết luận

Như vậy bảng chữ cái tiếng Việt là một sản phẩm có những cứ liệu lịch sử được xác định rõ ràng.

Những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến vùng Viễn Đông bằng đường biển đều đến từ bán đảo Iberia: họ là người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và xứ Basque. Trong số họ, những học giả đã sử dụng bảng chữ cái tiếng Latin để ghi âm tiếng Việt chính là các nhà truyền giáo đạo Thiên chúa – những người tinh thông tiếng Latin, tiếng Ý và tiếng Hy Lạp. Tất cả những điểm đặc biệt của bảng chữ cái tiếng Việt vì vậy mà có thể được giải thích trên cơ sở của những cứ liệu này.

Nhìn vào những bảng phiên âm khoa học dựa trên bảng chữ cái Roman đã được trình bày và thảo luận ở trên, ta thấy rằng chúng thuộc vào hai nhóm sau: (i) những bộ chữ được sử dụng cho các ngôn ngữ Phương Đông đã có chữ viết Latin hóa riêng trước đó của mình, trong trường hợp này việc phiên âm tiếng Latin cơ bản chỉ là việc chuyển tự, tức thay thế một chữ cái của bảng chữ cái bản địa bằng một chữ cái Latin nhằm tạo điều kiện dễ dàng nhất cho việc in ấn của các nhà in châu Âu; (ii) những bộ chữ được các nhà ngữ âm học, những người có mục đích phiên âm tất cả những sắc thái phát âm. Loại bảng chữ cái thứ hai này chủ yếu được dùng ở các nước không có bộ chữ cái Latin hóa (ví dụ: Trung Quốc) hoặc các nước mà chính tả khác xa với phát âm (ví dụ như Anh: rất khó có thể đoán được âm nguyên đích thực trong từ tiếng Anh, cho dù trên thực tế tiếng Anh dùng bảng chữ cái Latin). Nhưng, bảng chữ cái ngữ âm được thiết kế ra cho việc viết tay và rất khó cho việc in ấn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alexandre de Rhode (1991), Từ điển Annam – Lusitan -Latin (bản dịch của Hoàng Xuân Việt, Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính), NXB Khoa học xã hội, TP. Hồ Chí Minh.

2. André Martinet (1956), La Description phonologique avec application au parler franco provençal d’Hauteville (Savoie), Genève: Droz.

3. André Martinet (1981), “Fricatives and spirants”, Suniti Kumar Chatterji commemoration volume ed. by B. P. Mallik, Burdwan, West Bengal, India: Burdwan University Press, pp. 145-151.

4. André Martinet (1985), “Two proposals”, The Study of Sounds (Onsei no Kenkyuu), Commemorative volume for the 50th anniversary of the Phonetic Society of Japan XXI, pp. 67-72.

5. Cao Xuân Hạo, Hoàng Dũng (2005), Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học đối chiếu Anh Việt – Việt Anh, NXB Khoa học Xã hội.

6. Haudricourt, A.G. (1949), “L’origine des particularités de l’alphabet vietnamien”, Dân Việt Nam (3), pp. 61-68.

7. Haudricourt, A.G. (1953), “La place du vietnamien dan les langues austroasiatique” (Vị trí của tiếng Việt trong các ngôn ngữ Nam Á), BSLP (49), pp. 122-128.

8. Haudricourt, A.G. (1954), “De L’origine Des Tons En Vietnamien” (Nguồn gốc thanh điệu tiếng Việt), Journal Asiatique (242), pp. 69–82.

9. Haudricourt, A.G. (2010), “The origin of the peculiarities of the Vietnamese alphabet” (Alexis Michaud trans.), Mon-Khmer Studies (39), pp. 89–104.

10. Jacqueline Thomas, Luc Bouquiaux and France Cloarec-Heiss (1976), Initiation à la phonétique: phonétique articulatoire et phonétique distinctive, Presses Universitaires de France, Paris.

11. Michel Ferlus (1982), “Spirantisation des obstruantes médiales et formation du système consonantique du vietnamien”, Cahiers de linguistique – Asie Orientale (11:1), pp. 83-106.

12. Michel Ferlus (2001), “Les hypercorrections dans le thổ de Làng Lỡ (Nghệ An, Vietnam) ou les pièges du comparatisme”, Paper presented at the Quinzièmes Journées de Linguistique de l’Asie Orientale, Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales, Paris.

13. Ratanakul Suriya, David Thomas and Premsrirat Suwilai, Eds. (1985), Southeast Asian Linguistic Studies presented to André-G. Haudricourt, Mahidol University, Bangkok

Hình 1: Từ bảng chữ cái tiếng Hebrew và tiếng Hy Lạp đến bảng chữ cái tiếng Latin.

Hình 2: Những tương ứng qua bảng chữ cái tiếng Việt, tiếng Pháp và bảng phiên âm khoa học

[1]http://sealang.net/archives/mksj/pdf/MKSJ-39.89.pdf

[2]https://vnu-vn.academia.edu/VietCao

[3]Các thuật ngữ ngữ âm trong bản tiếng Anh được để trong ngoặc đơn để người đọc tiện đối chiếu.

[4]“non-anterior sibilant stop” đượcCao Thành Việt dịch là “tắc-xuýt-phi tiền” và “anterior sibilant stop” là “tắc-xuýt-tiền”. PGS. TS Phạm văn Hảo cho biết trong “Từ điển Thuật ngữ Ngôn ngữ học đối chiếu Anh-Việt, Việt-Anh” (2005) của Cao Xuân Hạo & Hoàng Dũng, hai thuật ngữ này trong tiếng Việt là: “tắc xuýt không hàng trước” và “xuýt hàng trước”. Tôi e cả hai thuật ngữ trên chỉ mới dịch theo nghĩa đen của từ “anterior” (trước), song trong ngữ âm học “anterior sounds” được hiểu là: “những âmđược cấu âm từ phía trước ổ răng (alveolar ridge)” (http://sites.fas.harvard.edu/~interns/eng101quiz/definitions.html). Ở đây tôi tạm dùng “tắc xuýt trước” cho (anterior sibilant stop) và “tắc xuýt sau” cho (non-anterior sibilant stop), và để nguyên từ của bản nguồn tiếng Anh trong ngoặc đơn (chú thích của VXQ).

[5]Vào thời gian bài báo của Haudricourt được xuất bản (1949), người ta cho rằng dựa trên cơ sở việc phục nguyên âm và sự vay mượn của tiếng Việt từ các ngôn ngữ láng giềng, âm vị được viết là D trong chữ Quốc ngữ không phải là một âm tắc tiền ngạc-hữu thanh (voiced prepalatal stop) (tương ứng nhất trong IPA là /ɟ/) khi chữ Quốc ngữ mới ra đời, mà là một âm xát răng (dental sprirant), được Ferlus 1982 ghi là δ (Xem thêm Ferlus 2001). Tương ứng nhất trong IPA của âm này là /ð/. Tuy nhiên, Ferlus phân biệt rạch ròi giữa âm xát “spirant” và âm xát “fricative” dựa theo quan điểm của Martinet 1956:24-25. Martinet cho rằng, “spirant” và “fricative” là hai nhóm âm khác nhau: “Cần thiết phải minh định sự khác biệt giữa phương thức cấu âm lơi (relaxed) – có xu hướng gần với phương thức nguyên âm mà chúng tôi gọi là “sprirant” – với các phụ âm được cấu âm theo phương thức phụ âm đúng nghĩa, đặc trưng bởi sự cọ xát khi luồng hơi thoát qua vị trí cản trở: loại này chính là những âm “fricative” đúng nghĩa.”[trong bản dịch của chúng tôi]; xem thêmMartinet 1981, 1985 và Thomas, Bouquiaux and Cloarec-Heiss 1976:29-31. Tuy nhiên, Haudricourt không đưa ra sự phân biệt giữa hai thuật ngữ trên trong bài báo này: ông dùng “spirant” trong cả bài (Chú thích của Alexis Michaud).

[6]Trong bản dịch tiếng Anh có hai câu bị xóa được kí hiệu bằng (…), (chú thích của Alexis Michaud).

[7]Những người nghiên cứu ngôn ngữ các bộ tộc da đỏ ở châu Mỹ (ND).

[8]Trong bản dịch tiếng Anh ee bị nhầm thành ec (Alexis Michaud đã kiểm tra và khẳng định điều này với tôi qua trao đổi email – VXQ chú thích)

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 06.8.2018

Ban Tu Thư (https://vietnamhoc.net)

Bài viết do Hyundai Kon Tum tổng hợp nếu bạn thấy bài viết cung cấp nội dung hữu ích đến với người đọc hãy giúp chúng tôi chia sẻ nội dung bài viết.

Đánh giá post

Bài viết liên Quan

Top 10 ngôn ngữ dễ học nhất thế giới đối với người Việt

Bảng chữ cái tiếng Hindi: Phiên âm, cách đọc, đánh vần

Tất tần tật bảng chữ cái tiếng Anh: Phiên âm, hình ảnh, đánh vần, cách đọc

Bảng chữ cái tiếng Tamil: Phiên âm, cách đọc, đánh vần

Bảng chữ cái tiếng Việt Nam: Phiên âm, cách đọc, đánh vần

Địa Chỉ Dịch Thuật Tiếng Séc Chất Lượng Tại Hà Nội, HCM #1

Bảng chữ cái tiếng Hindi: Phiên âm, cách đọc, đánh vần

Contact Me on Zalo