Cấm được pháo, lẽ nào không cấm được uống rượu, bia lái xe?

Chúng ta đã cấm đốt pháo, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm thành công thì không có lý gì không cấm được uống rượu, bia điều khiển phương tiện.

Việt Nam đã cấm đốt pháo, thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm thành công nên không có lý gì không cấm được uống rượu, bia điều khiển phương tiện (Trong ảnh: CSGT TP Tuyên Quang kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe máy trên địa bàn). Ảnh: Yến Chi
Việt Nam đã cấm đốt pháo, thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm thành công nên không có lý gì không cấm được uống rượu, bia điều khiển phương tiện (Trong ảnh: CSGT TP Tuyên Quang kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe máy trên địa bàn). Ảnh: Yến Chi

Ngày 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia chính thức có hiệu lực cấm tuyệt đối người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Báo Giao thông trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia về tính khả thi cũng như kế hoạch triển khai tuyên truyền thực thi luật này.

Cấm tuyệt đối uống rượu, bia lái xe

“Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là nỗ lực lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để đưa ra những quy định chặt chẽ ngăn ngừa tác hại tiêu cực của rượu, bia đối với đời sống xã hội, trong đó có liên quan nhiều đến công tác đảm bảo ATGT. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm những quy định trong Luật, chắc chắn TNGT năm 2020 và những năm tiếp theo sẽ giảm rất sâu vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn. Không những thế, trật tự xã hội sẽ tốt hơn, cuộc sống của người dân sẽ tốt hơn”.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có quy định cấm tuyệt đối uống rượu, bia lái xe; cấm ép người khác uống rượu, bia… Những quy định mới này sẽ tác động thế nào đến công tác đảm bảo ATGT, thưa ông?

Điểm mới rất mạnh mẽ trong Luật này là nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn, kể cả xe đạp và những phương tiện thô sơ khác. Đây là quy định nghiêm khắc nhất trên thế giới đối với vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện.

Bên cạnh đó, Luật cũng có những quy định khác giúp việc thực hiện quy định cấm tuyệt đối rượu, bia khi lái xe có hiệu quả hơn. Đặc biệt là quy định trách nhiệm đối với cơ sở kinh doanh rượu, bia trực tiếp bán cho người sử dụng phải thông tin cho khách thực hiện đã uống rượu, bia không lái xe và hỗ trợ khách kết nối phương tiện giao thông công cộng sau khi đã uống rượu, bia.

Quy định quan trọng nữa giúp việc điều chỉnh hành vi đó là nghiêm cấm ép người khác uống rượu, bia. Trong xã hội hiện nay, việc mời nhau, sau đó là thách thức, ép buộc nhau uống rượu, bia không phải là ít. Từ đây dẫn đến hệ lụy, người bị ép từ chối vì còn phải điều khiển phương tiện nhưng buộc phải uống, từ đó dẫn đến TNGT do rượu, bia. Cùng đó là quy định hạn chế điểm kinh doanh rượu, bia, hạn chế quảng cáo rượu, bia giúp cho kéo giảm tác hại của rượu, bia đối với xã hội. Đặc biệt, sẽ giúp giảm số lượng hành vi vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện.

Hiện nay, vi phạm về nồng độ cồn là nguyên nhân gây ra khoảng 40% số vụ TNGT, ở nhiều địa phương vào dịp cao điểm lễ, Tết, tỷ lệ này lên đến trên 80%. Uống rượu, bia vô tội vạ trước tiên ảnh hưởng đến sức khỏe, mang đến nhiều bệnh tật cho người uống, sinh ra bạo lực, ảnh hưởng đến hạnh phúc, kinh tế gia đình, gây mất trật tự xã hội, vi phạm trật tự ATGT. Vì vậy, Luật ban hành nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội và là bước ngoặt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, mạnh mẽ để ngăn ngừa, kéo giảm TNGT do vi phạm nồng độ cồn.

Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng
Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng.

Nhiều ý kiến cho rằng, thói quen sử dụng rượu, bia của người Việt Nam khó thay đổi, nên để Luật đi vào cuộc sống là không hề đơn giản. Quan điểm của ông thế nào?

Văn hóa uống rượu của cha ông ta trước đây rất hay và rất đẹp. Tuy nhiên, gần đây do mức thu nhập tăng cao, cộng với hoạt động quảng bá rượu, bia tràn lan đã dần hình thành thói quen uống rượu, bia vô tội vạ, thói quen ép nhau, thách thức nhau uống rượu, bia, sau đó điều khiển phương tiện dẫn đến TNGT. Đây là thói quen xấu mới phát sinh trong một bộ phận dân cư và rộ lên trong mấy năm trở lại đây.

Quy định trong Luật rất đúng và cần thiết. Tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được. Chúng ta đã cấm đốt pháo thành công hay thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì không có lý gì không cấm được uống rượu, bia điều khiển phương tiện.

Hơn thế, điều này còn thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, nhất là từng cán bộ, công chức và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ để đẩy lùi vi phạm và TNGT.

Luật GTĐB 2008 quy định người điều khiển môtô, xe máy chỉ được uống ở mức pháp luật cho phép, trong khi Luật này cấm hoàn toàn. Ông có thể giải thích ý nghĩa của quy định này?

Luật GTĐB cho phép uống mức độ nhất định đối với người điều khiển mô tô, xe máy nhưng cấm tuyệt đối với ô tô. Quy định cấm tuyệt đối đã thực hiện đối với người lái xe ô tô trong hơn 10 năm qua.

Đến nay, mở rộng áp dụng đối với người điều khiển phương tiện khác là rất bình thường. Đây không phải là vấn đề mới mà đã thực hiện nhiều năm nay. Khi đã có Luật mới, tới đây có thể bỏ quy định kể trên khỏi Luật GTĐB.

Có cơ sở xử ép nhau uống rượu, bia

Việt Nam đã cấm đốt pháo, thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm thành công nên không có lý gì không cấm được uống rượu, bia điều khiển phương tiện (Trong ảnh: CSGT TP Tuyên Quang kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe máy trên địa bàn). Ảnh: Yến Chi
Nhiều người băn khoăn khi cho rằng, sẽ khó xử lý đối với hành vi ép nhau uống rượu, bia, ông nghĩ sao?

Có nhiều quy định khi ban hành, ai cũng nói khó thực hiện, nhưng chúng ta vẫn thực hiện được. Đơn cử trước đây, nhiều người nói hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện rất khó phát hiện và xử lý, nhưng đến nay đã có hệ thống camera giám sát, hình ảnh người dân cung cấp và đã thực hiện được việc xử phạt.

Ép nhau uống rượu, bia cũng tương tự, chúng ta đã có nhiều công cụ để ghi lại. Trong cùng bàn uống rượu có người thích ép người khác, có người bị ép thì chấp nhận và có những người không chấp nhận thì có thể phản ứng và có thể tố cáo người ép mình uống. Trong nhóm uống rượu sẽ có người ghi được hình ảnh đưa lên mạng xã hội hay hệ thống camera giám sát của nhà hàng làm bằng chứng để xử phạt.

Nghị định thay thế Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính đã có quy định sử dụng dữ liệu từ hình ảnh người dân cung cấp để xử phạt nguội. Nếu lực lượng chức năng thi hành nghiêm hoàn toàn có thể xử lý. Tất nhiên, chúng ta không thể giải quyết 100% tình trạng này, nhưng dần dần sẽ hình thành văn hóa uống rượu, bia không lái xe.

Luật quy định trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia. Việc này có tác dụng thế nào trong đảm bảo ATGT, thưa ông?

Giáo dục trong gia đình có tính chất nền tảng. Luật quy định để những người làm cha, làm mẹ, người lớn phải có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn, ngăn ngừa trẻ em dưới 18 tuổi tiếp cận và sử dụng rượu, bia.

Đây là quy định nhân văn, đúng đối tượng cần quy định. Nhiều khi chúng ta hay coi việc này là của nhà trường nhưng gia đình lại có vai trò quan trọng. Người làm cha mẹ không chỉ nhắc nhở con em mình mà phải làm tốt vai trò nêu gương trong sử dụng rượu, bia đúng mực, có văn hóa. Điều này cũng giúp hình thành lớp công dân có văn hóa tham gia giao thông an toàn trong tương lai.

Truyền thông mạnh mẽ để lan tỏa tinh thần của Luật

Việc cấm tuyệt đối uống rượu, bia khi lái xe sẽ tạo điều kiện thuận lợi thế nào cho lực lượng thực thi công vụ, vì thực tế vẫn xảy ra tranh cãi về mức độ vi phạm?

Việc truyền thông mạnh mẽ quy định này sẽ giúp giảm nhiều những người uống rượu, bia điều khiển phương tiện vì họ biết chắc rằng không còn tranh cãi vi phạm nồng độ bao nhiêu nữa. Không cần mức bao nhiêu, cứ có nồng độ cồn trong hơi thở hoặc trong máu mà điều khiển phương tiện là sẽ bị xử phạt. Người dân sẽ chủ động hơn trong sinh hoạt cuộc sống, tránh vi phạm.

Quá trình thực thi nhiệm vụ tất nhiên sẽ có đối tượng chống đối, quy định cũng sẽ giảm bớt đối tượng này vì đã nghiêm cấm uống rượu, bia khi lái xe. Họ sẽ không còn lý luận “tôi chỉ uống 1 ly bia”, đã uống dù 1 ly hay ít hơn cũng sẽ bị phạt. Còn người nào chống đối người thi hành công vụ thì phải cưỡng chế.

Để Luật đi vào cuộc sống chúng ta cần làm gì, thưa ông?

Việc đầu tiên là phải tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu được, nắm được ý nghĩa nhân văn của Luật chứ không đơn thuần là cấm và xử phạt. Bản chất xây dựng luật là để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của nhân dân. Tinh thần này phải truyền thông đến mọi người dân mà trước tiên là cán bộ, đảng viên là những người đầu tiên hiểu và tuyên truyền vận động nhân dân.

Việc thứ hai là khi ban hành Luật cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, các quy định dưới Luật để có cơ sở pháp lý, công cụ, cách thức tổ chức phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội.

Thời gian tới, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ triển khai giải pháp gì để thực hiện hiệu qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia?

Từ khi Ủy ban ATGT Quốc gia được thành lập đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện “Đã uống rượu, bia không lái xe”. Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện và chỉ đạo cơ quan chức năng thực thi văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong phòng chống vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông.

Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Ủy ban ATGT Quốc gia đã lựa chọn chủ đề Năm ATGT 2020 là “Đã uống rượu, bia không lái xe” để tổ chức từ Ủy ban ATGT Quốc gia đến địa phương, các cơ quan thành viên, đoàn thể, cơ quan báo chí cùng vào cuộc tuyên truyền vận động Luật và đặc biệt là những điểm Luật quy định có liên quan đến phòng chống vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.

Năm 2020, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng sẽ chỉ đạo Bộ Công an duy trì tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn để một mặt là tuyên truyền vận động, giảm người vi phạm nồng độ cồn, mặt khác để người dân thấy ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Chính phủ đang chuẩn bị thay thế Nghị định 46, quy định chặt chẽ, cụ thể, chế tài xử phạt nghiêm minh, tăng nặng hơn đối với tất cả hành vi điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.

Cảm ơn ông!

Theo atgt.vn

Bạn đang xem bài viết: Cấm được pháo, lẽ nào không cấm được uống rượu, bia lái xe?. Thông tin do Hyundai Kon Tum chọn lọc và tổng hợp cùng với các chủ đề liên quan khác.

Đánh giá post

Bài viết liên Quan

Mức Phạt Nồng Độ Cồn Ô tô Nghị Định 100

Mức phạt lỗi uống rượu, bia khi lái xe từ năm 2022

[CẬP NHẬT] MỨC PHẠT NỒNG ĐỘ CỒN MỚI NHẤT NĂM 2020

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Các mức phạt với lỗi uống rượu bia khi tham gia giao thông

Hình phạt cho việc lái xe sau khi uống rượu bia tại các quốc gia trên thế giới: Xem mà thấy “sợ tím người” vì ở Việt Nam vẫn chưa là gì cả

Mức phạt khi uống rượu, bia điều khiển xe tham gia giao thông là bao nhiêu?

Nồng độ cồn 0,3 bị phạt bao nhiêu tiền đối với xe máy

Contact Me on Zalo