Hộp số ô tô: cấu tạo, phân loại, công dụng, nguyên lý hoạt động
Hộp số ô tô: cấu tạo, phân loại, công dụng, nguyên lý hoạt động
Hộp số ô tô là một trong những thành phần quan trọng nhất của hệ thống truyền lực ô tô.
1. Hộp số ô tô là gì?
Hộp số ô tô là một trong những thành phần quan trọng nhất của hệ thống truyền lực ô tô. Nó thông qua việc thay đổi tỷ số truyền, để thay đổi mô-men kéo của trục khuỷu động cơ, nhằm mục đích thỏa mãn những nhu cầu khác nhau đối với tốc độ xe, lực kéo đối với bánh xe.
2. Công dụng của hộp số ô tô
Tại sao ô tô cần phải có hộp số ô tô? Như chúng ta đã biết, động cơ được sử dụng trên ô tô là động cơ đốt trong có pít tông, loại động cơ này có tốc độ quay và mô-men kéo thay đổi trong phạm vi rất nhỏ. Trong khi đó, điều kiện vận hành trên đường lại vô cùng phức tạp, đòi hỏi lực kéo và tốc độ của xe phải có thể biến đổi trong một phạm vi khá lớn. Ngoài ra, trục khuỷu của động cơ đốt trong luôn chỉ quay theo một chiều, trong quá trình vận hành trên đường, xe có thể phải lùi. Để giải quyết những vấn đề này, hộp số đã được đưa vào hệ thống truyền lực của ô tô.
3. Phân loại hộp số ô tô
Hộp số là dạng truyền động bánh răng sử dụng phương pháp gài số để thay đổi tỷ số truyền giữa trục sơ cấp (trục đầu vào) và trục thứ cấp (trục đầu ra). Hộp số bao gồm những thành phần như cơ cấu truyền động bánh răng, cơ cấu điều khiển (sang số) và vỏ ngoài. Cơ cấu truyền động phần lớn sử dụng truyền động bánh răng thông thường, một số hộp số sử dụng cơ cấu truyền động bánh răng hành tinh.
Dựa trên phương pháp sang số, có thể phân loại hộp số ô tô thành hộp số tay, hộp số tự động và hộp số bán tự động.
4. Hộp số sàn ô tô
4.1. Hộp số sàn là gì
Hộp số sàn còn gọi là hộp số cơ khí hay hộp số tay. Với loại hộp số này, người lái xe thông qua việc thao tác cần số để lựa chọn số hoặc thay đổi số.
Hộp số sàn phần lớn có từ 4 ~ 6 số sử dụng truyền động bánh răng có cấp. Khi tiến hành thao tác gài số đối với hộp số cần phải đạp bàn đạp ly hợp trước (chân côn), sau đó mới dùng cần số để gài số.
Hộp số sàn sử dụng sự phối hợp giữa các bánh răng có kích thước khác nhau để thay đổi tốc độ. Hộp số sàn thường gặp phần lớn có 4 ~ 7 số (4 ~ 6 số tiến, 1 số lùi), thông qua thay đổi sự ăn khớp của các bánh răng trong hộp số để thay đổi tỷ số truyền, từ đó đạt được mục đích thay đổi tốc độ. Nhìn chung, hiệu suất truyền động của hộp số sàn cao hơn hộp số tự động.
4.2. Phân loại hộp số sàn
Hộp số sàn gồm 2 loại là hộp số hai trục và hộp số ba trục. Hộp số 2 trục thường sử dụng trong ô tô loại nhỏ, còn hộp số 3 trục được sử dụng trong ô tô loại vừa hoặc loại lớn.
– Hộp số sàn 2 trục thường được sử dụng trong ô tô (FF) có động cơ đặt phía trước, bánh dẫn động phía trước với cơ cấu bánh răng truyền động.
– Hộp số sàn 3 trục thường được sử dụng trong ô tô (FR) có động cơ đặt phía trước, bánh dẫn động phía sau với cơ cấu bánh răng truyền động.
4.3. Công dụng của hộp số sàn
– Dựa trên tình hình giao thông và đường xá khác nhau, thay đổi lực dẫn động xe và tốc độ chạy của xe (thông qua việc thay đổi số).
– Trong trường hợp không muốn truyền lực cho bánh xe chủ động nhưng vẫn muốn để cho động cơ quay, hơn nữa ly hợp vẫn ở trạng thái đóng, hộp số sẽ có chức năng ngắt sự truyền lực của động cơ (thông qua việc gài số 0 hay còn gọi là số mo).
– Với tiền đề chiều quay trục khuỷu động cơ không thay đổi, hộp số có chức năng giúp cho xe chạy lùi (thông qua việc gài số lùi).
4.4. Cấu tạo hộp số sàn
Loại hộp số đặt ngang được dùng cho các loại xe FF (động cơ đặt ở phía trước và bánh dẫn động phía trước). Sau đây là thành phần cấu tạo và nguyên lý hoạt động của hộp số ngang 5 số tiến và 1 số lùi. Trục sơ cấp được truyền chuyển động từ trục khuỷu của động cơ khi ly hợp ở trạng thái đóng. Trên trục sơ cấp hộp số có lắp các bánh răng số 1, số 2, số 3, số 4, số 5 và bánh răng số lùi.
– Bánh răng chủ động số 1, 2 và số lùi được kết nối cứng với trục sơ cấp của hộp số.
– Bánh răng chủ động số 3, 4 và 5 chuyển động quay trơn trên trục sơ cấp của hộp số.
– Trục thứ cấp của hộp số dùng để truyền chuyển động đến bộ truyền lực chính và bộ vi sai. Từ bộ vi sai, chuyển động được truyền đến bán trục để kéo hai bánh xe chủ động trước chuyển động.
– Bánh răng bị động số 1, 2 và số lùi quay trơn trên trục thứ cấp hộp số. Bánh răng bị động số 3, 4 và 5 được kết nối cứng trên trục thứ cấp.
– Các khớp cài số được bố trí trên trục sơ cấp và trục thứ cấp.
– Truyền lực chính và bộ vi sai được bố trí bên trong hộp số.
– Trục sơ cấp, thứ cấp và bộ vi sai chuyển động trên các vòng bi.
– Khi gài số thì các ống trượt sẽ trượt trên then hoa của trục sơ cấp và thứ cấp để kết nối chuyển động từ trục sơ cấp đến trục thứ cấp.
4.5. Nguyên lý làm việc hộp số sàn
4.5.1. Cơ cấu bánh răng truyền động
Tỷ số truyền: là tỷ số giữa số lượng răng của bánh răng bị động/số lượng răng của bánh răng chủ động. Ví dụ, trong cơ cấu bánh răng truyền động, bánh răng bị động có 38 răng, bánh răng chủ động có 12 răng, tỷ số truyền là 38/12 = 3,166.
Khi tốc độ quay và mô-men quay được truyền từ trục sơ cấp (trục chủ động) đến trục thứ cấp (trục bị động), nếu tỷ số truyền lớn thì tốc độ quay giảm, mô-men quay tăng. Ngược lại, tỷ số truyền nhỏ thì tốc độ quay tăng, mô-men quay giảm.
Ta có công thức:
- Mô-men quay đầu ra = Mô-men quay đầu vào x Tỷ số truyền
- Tốc độ quay đầu ra = Tốc độ đầu vào / Tỷ số truyền
Đường truyền công suất: đối với loại ô tô (FF) có động cơ đặt phía trước và bánh dẫn động ở phía trước, hộp số tay được lắp bên trái hoặc bên phải động cơ. Cơ cấu truyền động của hộp số tay gồm trục sơ cấp (trục chủ động) và thứ cấp (trục bị động). Hai trục này được đặt song song với nhau. Trục sơ cấp của hộp số đồng thời cũng là trục bị động của bộ ly hợp. Trục thứ cấp của hộp số là trục bánh răng chủ động của bộ truyền lực chính. Hộp số này có 5 số tiến (trong đó số 1 3 là số giảm tốc độ, số 4 là số trực tiếp, số 5 là số nhanh) và 1 số lùi. Các dòng ô tô hiện đại đều sử dụng gài số đồng tốc quán tính.
+ Số 0: tất cả khớp cài hay còn gọi là nhông cài (hoặc khớp đồng tốc) không ăn khớp với bánh răng. Mô-men từ động cơ không được truyền từ trục chủ động sang trục bị động, vì thế không có lực tác động lên bộ vi sai.
+ Số 1: khớp cài số (1, 2) trên trục bị động dịch chuyển sang trái, ăn khớp với bánh răng số 1 (trên trục chủ động). Lúc đó, khớp cài được cài cố định với trục bị động và bánh răng số 1 trên trục bị động. Mô-men quay của trục chủ động được truyền cho bánh răng số 1 trên trục bị động, khiến cho bánh răng này quay và làm cho trục bị động quay theo. Mô-men quay sẽ được truyền đến bộ vi sai.
+ Số 2: khớp cài số (1, 2) trên trục bị động dịch chuyển sang phải, ăn khớp với bánh răng số (trên trục bị động). Lúc đó, khớp cài được cài cố định với trục bị động và bánh răng số 2 trên trục bị động. Mô-men quay của trục chủ động được truyền cho bánh răng số 2 trên trục bị động, khiến cho bánh răng này quay và làm cho trục bị động quay theo. Mô-men quay sẽ được truyền đến bộ vi sai.
+ Số 3: khớp cải số (3, 4) trên trục chủ động dịch chuyển sang trái, ăn khớp với bánh răng số 3 (trên trục chủ động). Lúc đó, khớp cài này được cài cố định với trục chủ động và bánh răng số 3 trên trục chủ động. Mô-men quay của trục chủ động được truyền cho bánh răng số 3 trên trục bị động, khiến cho bánh răng này quay và làm cho trục bị động quay theo. Mô-men quay sẽ được truyền đến bộ vi sai.
+ Số 4: khớp cài số (3, 4) trên trục chủ động dịch chuyển sang phải, ăn khớp với bánh răng số 4 (trên trục chủ động). Lúc đó, khớp cài này được cài cố định với trục chủ động và bánh răng số 4 trên trục chủ động. Mô-men quay của trục chủ động được truyền cho bánh răng số 4 trên trục bị động, khiến cho bánh răng này quay và làm cho trục bị động quay theo. Mô-men quay sẽ được truyền đến bộ vi sai.
+ Số 5: khớp cài số (5) trên trục chủ động dịch chuyển sang trái, ăn khớp với bánh răng số 5 (trên trục chủ động). Lúc đó, khớp cài này được cài cố định với trục chủ động và bánh răng số 5 trên trục chủ động. Mô-men quay của trục chủ động được truyền cho bánh răng số 5 trên trục bị động, khiến cho bánh răng này quay và làm cho trục bị động quay theo. Mô-men quay sẽ được truyền đến bộ vi sai.
+ Số lùi: ở số này, tất cả các khớp gài số tiến phải nằm ở vị trí trung gian. Số lùi được vận hành bởi một bánh răng đảo chiều nhỏ. Bánh răng này ăn khớp với bánh răng số lùi trên trục chủ động và trục bị động. Khi đó hộp số sẽ truyền mô-men quay ngược chiều đến bộ vi sai.
4.5.2. Cơ cấu điều khiển hộp số
(1) Cơ cấu đồng tốc: người ta sử dụng cơ cấu đồng tốc để tránh tiếng ồn của bánh răng và làm cho việc sang số được êm dịu. Cơ cấu này được gọi là cơ cấu đồng tốc vì hai bánh răng có tốc độ quay khác nhau được lực ma sát làm đồng tốc trong khi chuyển số. Có 2 loại cơ cấu đồng tốc là cơ cấu đồng tốc loại có khóa và loại không có khóa.
Hộp số được trang bị cơ cấu đồng tốc có các ưu điểm sau:
– Giúp người lái không phải đạp bàn đạp ly hợp 2 lần khi chuyển số.
– Khi chuyển số có thể truyền công suất ngay.
– Có thể chuyển số êm dịu mà không làm hỏng các bánh răng.
(2) Cơ cấu đồng tốc loại có khóa:
Cấu tạo: cơ cấu đồng tốc loại có khóa gồm các thành phần chính như ống trượt, vòng đồng tốc, moay-ơ đồng tốc, khóa chuyển số, lò xo hãm.
– Mỗi số tiến trên trục sơ cấp được vào khớp với bánh răng tương ứng trên trục thứ cấp ở mọi thời điểm. Vì các bánh răng này quay tự do trên trục của chúng nên chúng luôn quay trơn khi động cơ đang hoạt động và ly hợp được ăn khớp.
– Các moay-ơ đồng tốc ăn khớp với các trục bằng các then bên trong moay-ơ đồng tốc. Hơn nữa, ống trượt ăn khớp với then ở vòng ngoài của moay-ơ đồng tốc và có thể di chuyển dọc trục.
– Moay-ơ đồng tốc có ba rãnh theo chiều dọc trục, và các khoá chuyển số luồn vào các rãnh này. Vòng lò xo của khóa luôn luôn đẩy khoá chuyển số này vào ống trượt.
– Khi cần chuyển số ở vị trí số trung gian, phần nhô ra của mỗi khoá chuyển số luồn khít vào trong rãnh then ở mặt trong ống trượt.
– Vòng đồng tốc được đặt giữa moay-ơ đồng tốc và mặt côn của các bánh răng số, và được đẩy ép vào một trong các mặt côn này.
– Trên toàn bộ khu vực côn bên trong vòng đồng tốc có các rãnh nhỏ để tăng ma sát. Ngoài ra, vòng này còn có 3 rãnh để các khóa chuyển số luồn vào đó.
Nguyên lý làm việc:
– Vị trí số trung gian: mỗi bánh răng số được vào khớp với bánh răng bị động tương ứng và quay trơn (chạy lồng không) trên trục.
– Bắt đầu quá trình đồng tốc: khi dịch chuyển cần chuyển số, cần chuyển số nằm trong rãnh trong ống trượt, dịch chuyển theo chiều mũi tên. Vì phần nhô ra ở tâm của khóa chuyển số được gài vào rãnh của ống trượt, khoá chuyển số cũng dịch chuyển theo chiều mũi tên cùng một lúc, và đẩy vòng đồng tốc vào mặt côn của bánh răng số, bắt đầu quá trình đồng tốc.
– Giữa quá trình đồng tốc: khi tiếp tục dịch chuyển cần chuyển số, lực đặt lên ống trượt sẽ thắng lực lò xo của khóa chuyển số và ống trượt trùm lên phần nhô ra của khoá này. Dưới tác động của bánh răng, vòng đồng tốc sẽ quay nhẹ theo chiều quay của bánh răng. Vòng đồng tốc sẽ cản trở sự di chuyển của ống trượt để tránh sự va chạm giữa các răng trước khi đồng bộ. Do đó, ống trượt không thể dịch chuyển tiếp được mặc dù người lái vẫn tiếp tục ấn cần gạt đẩy ống trượt.
– Kết thúc quá trình đồng tốc: lực tác dụng lên vòng đồng tốc trở nên mạnh hơn. Dưới tác dụng của lực ma sát giữa vòng đồng tốc và mặt côn của bánh răng, khiến cho tốc độ của bánh răng số và tốc độ của vòng đồng tốc (cũng như tốc độ của ống trượt gài số) nhanh chóng đồng bộ với nhau. Khi tốc độ của ống trượt gài số và bánh răng số trở nên bằng nhau, vòng đồng tốc bắt đầu quay nhẹ theo chiều ngược lại. Do đó, các then của ống trượt gài số ăn khớp với các rãnh then của vòng đồng tốc.
– Kết thúc việc chuyển số: sau khi then của ống trượt gài số ăn khớp với rãnh then của vòng đồng tốc, ống trượt tiếp tục dịch chuyển và ăn khớp với rãnh then của bánh răng số. Khi đó, việc chuyển số sẽ kết thúc.
(3) Cơ cấu khóa chuyển số:
Trong cơ cấu điều khiển hộp số thường có cơ cấu khóa chuyển số. Cơ cấu này bao gồm cơ cấu chống nhảy số, cơ cấu tránh ăn khớp kép và cơ cấu tránh gài nhầm số lùi.
– Cơ cấu tránh nhảy số: Cơ cấu này ngăn chặn hiện tượng hộp số tự động trượt số, đồng thời đảm bảo răng của bánh răng số ăn khớp hoàn toàn với nhau. Có ba rãnh trên mỗi trục càng gạt số, và lò xo đẩy viên bị khoá vào rãnh khi chuyển số. Điều này không những ngăn chặn hộp số bị nhảy số mà còn làm cho người lái có cảm giác rõ rệt hơn đối với việc chuyển số. Khi trục càng gạt số ở vị trí số 0 hay bất kỳ vị trí nào khác, thì bị hãm sẽ ép vào rãnh, có tác dụng tránh nhảy số. Nó có tác dụng tích cực tới cảm giác chuyển số của người lái. Các lò xo bị hãm có thể thay thế nếu cần. Tuy nhiên, nếu dùng lò xo quá mạnh thì khi chuyển số yêu cầu gạt cần số mạnh hơn mặc dầu bánh răng không bao giờ nhảy ra ngoài. Nếu dùng lò xo yếu hơn thì hoạt động cần số dễ dàng hơn, nhưng bánh răng trong hộp số dễ trượt ra.
– Cơ cấu tránh ăn khớp kép: Cơ cấu này để tránh khả năng gài hai số cùng một lúc. Khi đồng thời dịch chuyển hai càng gạt số, chúng sẽ ăn khớp trong khi chọn và các bánh răng bị gài hai số. Kết quả là các bánh răng không quay được, xe như là bị phanh lại, và các bánh bị khoá cứng lại gây ra tình trạng rất nguy hiểm. Ví dụ, khi trục càng gạt số ở giữa dịch chuyển để gài số, thì 2 trục càng gạt còn lại sẽ bị bị hãm khóa lại, từ đó tránh được hiện tượng gài hai số cùng lúc.
– Cơ cấu tránh gài nhầm số lùi: Nếu cài hộp số sang số lùi trong khi xe đang chạy, có thể làm vỡ ly hợp và hộp số ngang kiểu thường, đồng thời khoá cứng các bánh xe, gây ra tình trạng rất nguy hiểm. Do đó, người ta bố trí cơ cấu này để người lái buộc phải chuyển về vị trí số 0 trước khi gài số lùi. Khi đầu phía dưới của cần chuyển số dịch chuyển đến trục càng gạt số lùi, thì cần phải ép lò xo mới đi vào được rãnh của trục càng gạt số lùi. Nhờ vậy, tránh được tình trạng xe đang tiến mà lại gài nhầm số lùi. Khi trục càng gạt số lùi dịch chuyển để gài số, thì hai trục càng gạt số còn lại bị khóa bởi bị hãm.
(4) Cơ cấu vận hành:
Cơ cấu vận hành được chia làm 2 loại là loại điều khiển gián tiếp và loại điều khiển trực tiếp.
– Loại điều khiển gián tiếp hay còn gọi là loại điều khiển từ xa. Loại này liên kết cần chuyển số với hộp số bằng cáp hoặc các thanh nối. Người ta dùng loại này ở các xe FF. Nó có đặc điểm là gây ra ít tiếng động, tiếng ồn, và có thể dễ dàng thiết kế vị trí của cần chuyển số.
– Loại điều khiển trực tiếp lắp cần chuyển số trực tiếp trên hộp số. Người ta dùng loại này ở các xe FR vì các thao tác nhanh và chính xác.
5. Hộp số sàn 3 trục ô tô
5.1. Hộp số sàn 3 trục là gì?
Hộp số tay 3 trục (còn được gọi là hộp số dọc) thích hợp cho kiểu ô tô có động cơ đặt phía trước, bánh dẫn động phía sau. Hộp số này có trục sơ cấp, trục thứ cấp và trục trung gian. Ngoài ra còn có một trục khá ngắn dùng cho số lùi.
Hộp số đặt dọc có 3 trục trong đó trục sơ cấp và thứ cấp được bố trí trên cùng một đường tâm còn trục trung gian được bố trí ở bên dưới trục sơ cấp và thứ cấp.
5.2. Cấu tạo hộp số sàn 3 trục
– Trục sơ cấp truyền chuyển động từ trục khuỷu động cơ thông qua bộ ly hợp. Một đầu của trục sơ cấp được kết nối với đĩa ma sát của ly hợp và được gắn vào đuôi của trục khuỷu qua một vòng bi hoặc một bạc thau. Đầu còn lại được gán vào hộp số trên một vòng bi. Một bánh răng chủ động được lắp cố định ở một đầu của trục sơ cấp.
– Trục thứ cấp hộp số truyền chuyển động đến các bánh xe chủ động. Một đầu của trục thứ cấp được lồng vào một đầu của trục sơ cấp và đầu còn lại truyền chuyển động ra bên ngoài. Trục thứ cấp chuyển động trên các vòng bi. Bánh răng các số trên trục thứ cấp luôn ăn khớp với các bánh răng số tương ứng trên trục trung gian.
– Trục trung gian bố trí bên dưới trục sơ cấp và thứ cấp. Hai đầu trục được gá trên hai vòng bi của vỏ hộp số. Các bánh răng trên trục trung gian được kết nối cứng với trục trung gian. Trong đó có một bánh răng luôn ăn khớp với bánh răng chủ động trên trục sơ cấp hộp số. Các bánh răng còn lại ăn khớp với các bánh răng tương ứng trên trục thứ cấp.
5.3. Nguyên lý làm việc của hộp số sàn 3 trục
5.3.1. Đường truyền công suất khi gài số 1
– Bánh răng trượt (số 1, số lùi) trên trục thứ cấp di chuyển ăn khớp với bánh răng (số 1, số lùi) trên trục trung gian.
– Mô-men và công suất động cơ được truyền đi theo đường dẫn như sau: trục sơ cấp → bánh răng liền trục sơ cấp → bánh răng liền trục trung gian 7 trục trung gian → bánh răng (số 1, số lùi) trên trục trung gian 7 bánh răng (số 1, số lùi) trên trục thứ cấp → trục thứ cấp.
5.3.2. Đường truyền công suất khi gài số 2
– Ông trượt cài số (2, 3) trên trục thứ cấp di chuyển ăn khớp với bánh răng số 2 trên trục thứ cấp.
– Mô-men và công suất động cơ được truyền đi theo đường dẫn như sau: trục sơ cấp → bánh răng liền trục sơ cấp → bánh răng liền trục trung gian → trục trung gian → bánh răng số 2 trên trục trung gian → bánh răng số 2 trên trục thứ cấp → bộ đồng tốc (số 2, số 3) trên trục thứ cấp → trục thứ cấp.
5.3.3. Đường truyền công suất khi gài số 3
– Ông trượt cài số (2, 3) trên trục thứ cấp di chuyển ăn khớp với bánh răng số 2 trên trục thứ cấp.
– Mô-men và công suất động cơ được truyền đi theo đường dẫn như sau: trục sơ cấp → bánh răng liền trục sơ cấp → bánh răng liền trục trung gian → trục trung gian → bánh răng số 3 trên trục trung gian → bánh răng số 3 trên trục thứ cấp → bộ đồng tốc (số 2, số 3) trên trục thứ cấp → trục thứ cấp.
5.3.4. Đường truyền công suất khi gài số 4
– Ống trượt cài số (4, 5) trên trục thứ cấp di chuyển ăn khớp với bánh răng số 4 trên trục thứ cấp.
– Mô-men và công suất động cơ được truyền đi theo đường dẫn như sau: trục sơ cấp → bánh răng liền trục sơ cấp → bánh răng liền trục trung gian → bánh răng số 4 trên trục trung gian → bánh răng số 4 trên trục thứ cấp → bộ đồng tốc số (4, 5) trên trục thứ cấp → trục thứ cấp.
5.3.5. Đường truyền công suất khi gài số 5
– Ống trượt cài số (4, 5) trên trục thứ cấp di chuyển ăn khớp với bánh răng liền trục sơ cấp.
– Mô-men và công suất động cơ được truyền trực tiếp từ trục sơ cấp sang trục thứ cấp, tỷ số truyền bằng 1. Tốc độ quay của trục thứ cấp và trục sơ cấp bằng nhau. Chính vì vậy số 5 còn được gọi là số truyền thẳng.
5.3.6. Đường truyền công suất khi gài số lùi
– Ở chế độ này tất cả các ống trượt gài số tiến đều nằm ở vị trí trung gian.
– Bánh răng trượt (số 1, số lùi) trên trục thứ cấp di chuyển ăn khớp với bánh răng số lùi trung gian. Lúc này, truyền động từ trục trung gian đến trục thứ cấp được thực hiện nhờ 3 bánh răng ăn khớp (không phải 2 như các số tiến) nên làm cho trục thứ cấp quay theo chiều ngược lại với các trường hợp số tiến.
– Mô-men và công suất động cơ được truyền đi theo đường dẫn như sau: trục sơ cấp → bánh răng liền trục sơ cấp → bánh răng liền trục trung gian → trục trung gian → bánh răng (số 1, số lùi) trên trục trung gian → bánh răng số lùi trung gian → bánh răng (số 1, số lùi) trên trục thứ cấp → trục thứ cấp (quay ngược chiều với trục sơ cấp).