Tách sổ đỏ cần nộp các loại phí nào?
Cần bao nhiêu tiền để tách sổ đỏ? Hình minh họa
Trả lời:
Chi phí để tách sổ đỏ
Nếu chỉ tách sổ đỏ thì người dân chỉ cần trả phí đo đạc thửa đất và lệ phí cấp sổ đỏ. Còn nếu việc tách sổ đỏ có gắn với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người dân còn phải nộp thêm lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ, thuế thu nhập cá nhân.
1. Phí đo đạc thửa đất: là khoản tiền mà người dân phải trả cho tổ chức dịch vụ đo đạc nên khoản tiền này tùy theo đơn vị cung cấp dịch vụ đo đạc quyết định. Thường dao động từ 1,8 – 2 triệu đồng.
2. Lệ phí cấp sổ đỏ: lệ phí cấp sổ đỏ (lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất) là khoản thu mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất).
Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất gồm: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; Chứng nhận đăng ký biến động về đất đai; Trích lục bản đồ địa chính; văn bản; số liệu hồ sơ địa chính.
Lệ phí này sẽ được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, tùy từng điều kiện cụ thể của từng địa bàn và chính sách phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
– Đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh, mức thu như sau: Tối đa không quá 100.000 đồng với cấp giấy chứng nhận mới; tối đa không quá 50.000 đồng đối với cấp lại, cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận.
– Trường hợp giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất (không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất) thì áp dụng mức thu tối đa không quá 25.000 đồng/giấy cấp mới; tối đa không quá 20.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại, cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận.
– Chứng nhận đăng ký biến động về đất đai không quá 28.000 đồng/1 lần.
– Trích lục bản đồ địa chính, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính không quá 15.000 đồng/1 lần.
– Đối với hộ gia đình, cá nhân tại các khu vực khác, mức thu tối đa không quá 50% mức thu áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh.
3. Lệ phí trước bạ
Tổ chức, cá nhân có đất khi quyền sử dụng đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải nộp lệ phí trước bạ.
Lệ phí trước bạ = Giá tính lệ phí trước bạ x Mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%) |
Trong đó:
– Giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá đất tại Bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ. Trường hợp giá đất tại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cao hơn giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành thì giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá tại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất.
– Mức thu lệ phí trước bạ đối với đất là 0,5%.
4. Phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ: là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (bao gồm cấp lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận và chứng nhận biến động vào giấy chứng nhận đã cấp) theo quy định của pháp luật.
Tùy mỗi địa phương sẽ có mức phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ khác nhau.
5. Thuế thu nhập cá nhân:
Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất = Thu nhập tính thuế x Thuế suất (%) |
Trong đó:
– Thu nhập tính thuế: Thu nhập tính thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần. Giá chuyển nhượng bất động sản là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
– Thuế suất: Thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng.
Lưu ý: Trường hợp tách sổ đỏ có gắn với việc chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất đối với những trường hợp sau thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân:
– Chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
– Nhận thừa kế, quà tặng là quyền sử dụng đất giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
>>Xem thêm: 2 trường hợp được miễn thuế khi bán nhà đất
Thời gian giải quyết thủ tục tách sổ đỏ
Thời hạn giải quyết thủ tục tách sổ đỏ không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Đối với các vùng có điều kiện khó khăn, thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.
-
Lưu ý gì khi làm thủ tục tách sổ đỏ năm 2023?
Xin hỏi, quy định và thủ tục tách sổ đỏ mới nhất hiện nay như thế nào?
-
Từ 16/10/2023, nhiều thay đổi liên quan đến sổ đỏ người dân cần biết Từ 16/10/2023, Thông tư 14/2023/TT-BTNMT chính thức có hiệu lực, trong đó có nhiều thay đổi liên quan đến sổ đỏ người dân cần biết.
-
TP.HCM nêu hướng giải quyết cho trường hợp người dân tự ý tách thửa, chuyển quyền bằng giấy tay Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường về hồ sơ tự ý tách thửa, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền bằng giấy tay.
-
5 thay đổi đáng chú ý về việc cấp sổ đỏ 2023 người dân cần biết Thông tư mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường với loạt quy định thay đổi liên quan đến về cấp sổ đỏ người dân cần biết.